Kế hoạch chi tiêu gặp nhiều chỉ trích

Các sáng kiến này được xem là khoản đầu tư dài hạn cho hòa bình, nhưng chính nó sẽ làm gia tăng nợ nần cho Seoul và có thể trở thành gánh nặng nếu quan hệ liên Triều xấu đi, giới chuyên gia cảnh báo.

Trong một dự luật trình lên Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 9 năm nay, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất chi 419 triệu USD cho một loạt dự án liên quan đến Triều Tiên, bao gồm việc đoàn tụ các gia đình bị li tán bởi chiến tranh, một văn phòng liên lạc chung giữa hai nước, cũng như trao đổi thể thao. Đây là những cam kết được đề cập lần đầu trong tuyên bố chung ký kết giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 4.

Con số 419 triệu USD chỉ đề cập đến chi tiêu trong năm 2019, và các chính trị gia đối lập đã cáo buộc Chính phủ cố tình che giấu chi phí dài hạn vì sợ sự phản đối của công chúng. Điều đó dẫn đến sự chậm trễ trong việc phê chuẩn dự luật.

Các đề xuất chi tiêu hàng triệu USD được đưa ra giữa lúc có nhiều lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Hàn Quốc. Trong khi đa số người Hàn Quốc nói rằng họ muốn hòa bình với Bình Nhưỡng, nhiều người tin rằng tình trạng trong nước mới nên là một ưu tiên hàng đầu cho các quỹ công, đặc biệt là vào thời điểm tăng trưởng yếu như hiện nay.

Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc trong năm nay đạt mức tăng trưởng 2,9%, so với mức 3,1% của năm ngoái. Trong khi đó, tốc độ tạo việc làm đạt mức thấp nhất trong 9 năm sau khi Tổng thống Moon tăng mức lương tối thiểu và cắt giảm giờ làm việc. Những động thái này đã khiến cho việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê lao động mới trở nên khó khăn hơn.

Sự bất mãn của công chúng với nền kinh tế thực sự đã đẩy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Hàn Quốc đối với ông Moon Jae-in xuống mức 49%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái - theo kết quả một cuộc khảo sát của Gallup Korea hôm 7/9. Tuy nhiên, cuộc khảo sát một tuần sau đó cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo này đã nhích lên mức 50%.

Ông Kyle Ferrier, Giám đốc phụ trách quan hệ học thuật và nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ, nhận định "Cho dù chính sách ngoại giao có như thế nào, thì việc chi một số tiền lớn cho Triều Tiên giữa lúc người Hàn Quốc không hài lòng với nền kinh tế trong nước có thể sẽ là một hành động khó thuyết phục về mặt chính trị".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Moon Jae-in ngày 18/9/2018

Cơ sở hạ tầng – một mối lo lớn

Quan tâm đặc biệt trong dự luật của Chính phủ là 262 triệu USD được phân bổ cho việc kết nối và hiện đại hóa các mắt xích giao thông liên Triều vào năm tới. Một số người cho rằng con số đó thực tế sẽ còn lớn hơn nhiều.

Theo ông Anwita Basu, Giám đốc quản lý dịch vụ rủi ro quốc gia châu Á tại The Economist Intelligence Unit, hai dự án đường sắt ở Bắc Triều Tiên là sông Kaesong-Sinuiju và Kosong-Tumen, có tổng chiều dài xấp xỉ 1.190 km, vì vậy chi phí nâng cấp sẽ lớn hơn rất nhiều con số trên.

Theo báo Chosun Ilbo đưa tin hôm thứ Hai (01/10), Korea Rail Network Authority, một doanh nghiệp đường sắt thuộc sở hữu nhà nước Hàn Quốc, ước tính việc nâng cấp và sửa chữa toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ của Bắc Triều Tiên có thể có giá khoảng 38,2 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 10% trong tổng kế hoạch chi tiêu 2018 của Seoul và gấp đôi số tiền mà Chính phủ sẽ chi cho sáng kiến tạo việc làm trong nước của mình, ông Basu cảnh báo.

Một báo cáo hồi tháng 6 của Citigroup ước tính chi phí để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và giao thông của Bắc Hàn, bao gồm đường sắt, đường, sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ và nhà máy lọc dầu, lên tới 63,1 tỷ USD.

Trong một bài báo của tờ Chosun Ilbo, một phát ngôn viên của Chính phủ cho biết các ước tính chi phí chi tiết sẽ được công bố sau khi các khảo sát thực địa được hoàn thành. Bất cứ một sự sai lệch nào trong việc ước tính chi phí cũng sẽ làm mất mặt Tổng thống Moon.

Anthony Rinna, một chuyên gia Hàn Quốc tại Sino-NK, một trang web phân tích bao trùm khu vực, cho biết: “Nếu ông Moon không tính toán chính xác gánh nặng tài chính từ việc ROK đầu tư vào cơ sở hạ tầng gây ra thì điều đó sẽ đặt ra câu hỏi ông Moon còn thiếu tầm nhìn ở những vấn đề gì nữa”.

Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Moon tất nhiên vẫn mang lại những lợi ích về kinh tế cho Hàn Quốc.

“Các mắt xích giao thông một khi được xây dựng xong, dù có là gánh nặng đối với ngân sách của Hàn Quốc, thì vẫn sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân Hàn”, bà Katrina Ell, nhà kinh tế học của Moody’s nhận định. "Về lâu dài, một bán đảo yên bình hơn sẽ mang lại lợi ích kinh tế vượt trội hơn so với chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu", bà cho biết thêm.

Nhiều người cho rằng, lợi ích lớn nhất mà việc kết nối giao thông với Bắc Hàn mang lại là tạo ra sự kết nối quốc tế.

Khi Bắc Kinh và Moscow dẫn đầu các sáng kiến hội nhập kinh tế quốc tế của mình, thì sự kết nối trực tiếp Hàn Quốc với lãnh thổ Trung Quốc và Nga sẽ giúp doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với một thị trường rộng lớn hơn, ông Rinna cho biết.

Tuy nhiên, việc quan hệ với Bình Nhưỡng luôn tồn tại những rủi ro lớn bởi sự khó lường trong cách hành xử của đất nước này. Một khi nhà lãnh đạo Kim trở mặt, Hàn Quốc sẽ rơi vào thế bị động.

"Nếu ngoại giao đổ vỡ sau khi những khoản đầu tư lớn đã được rót vào Triều Tiên, Hàn Quốc có thể sẽ mất sạch những khoản đầu tư đó", ông Ferrier nói.

Theo vị chuyên gia này, Hàn Quốc chỉ nên rót vốn vào các dự án đường sắt và đường bộ liên Triều một khi Mỹ hoặc Liên hiệp quốc dỡ trừng phạt Bình Nhưỡng. Nếu không, các công ty tham gia vào các dự án đó có thể đối mặt những hậu quả lớn về tài chính - ông cảnh báo.

Dịch từ nguồn:

https://www.cnbc.com/2018/10/04/south-korea-aims-to-spend-millions-on-north-korea-projects.html