Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ quý trước và gần như chắc chắn năm nay sẽ có mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. Tuy vậy, quốc gia này vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong một loạt các chỉ số quan trọng, điều này cho thấy suy thoái của Trung Quốc vẫn còn lâu mới tụt dốc.

Giảm tốc xảy ra ngay cả khi tín dụng vẫn còn tăng trưởng nhanh hơn so với tổng sản phẩm trong nước; chính quyền địa phương tiếp tục vay nhiều hơn so với khả năng chi trả; và đầu tư vào tất cả mọi thứ từ sản xuất thép đến bất động sản đang tăng lên nhanh chóng, ngay cả khi doanh số bán hàng sụt giảm.

Do cầu giảm, nên sự gia tăng trong tất cả các chỉ số này đều không bền vững và chắc chắn chúng sẽ phải đi xuống, từ đó sự suy thoái của Trung Quốc sẽ càng rõ ràng hơn.

"Tôi tin rằng sẽ không có sự sụp đổ hoặc khủng hoảng tài chính xảy ra ở Trung Quốc, nhưng do năm tới chính phủ sẽ thắt chặt tín dụng, nên mọi thứ sẽ xấu đi và tăng trưởng sẽ thấp hơn nhiều," Jonathan Anderson, chủ tịch của Emerging Advisors Group, một công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô độc lập, nhận định. "Chúng ta phải điều chỉnh nguồn cung bởi đó là nơi tín dụng đổ vào và chúng ta có thể thấy các công ty bắt đầu phá sản hàng loạt."

Với mức tăng trưởng 7,3% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Khi xuất khẩu Trung Quốc sụp đổ trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chính phủ đưa ra chính sách đầu tư tín dụng nhằm vực lại tăng trưởng.

Trong thời điểm đó, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp tạm thời, bao gồm dỡ bỏ kiểm soát tín dụng và bơm thêm tiền mặt, phần nhiều trong số đó được đổ vào bong bóng bất động sản. Kết quả là tạo ra sự bùng nổ kinh tế và tăng trưởng chưa từng có.

Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn đang phát triển nhanh hơn rất nhiều so với GDP.

Ngân hàng Thế giới tuần trước đã khuyến cáo lãnh đạo Trung Quốc nên từ bỏ nỗi ám ảnh buộc phải đạt mục tiêu GDP hàng năm, mà năm 2014 là khoảng 7,5%.

"Giai đoạn hiện nay nếu tập trung vào việc đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn thì sẽ khó mà thực hiện các chính sách cần thiết để chuyển đổi sang tăng trưởng trung hạn bền vững," Kārlis Smits, nhà kinh tế cao cấp, đã viết trong Cập nhật kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới xuất bản tuần trước. "Nếu không chính sách được đưa ra kịp thời, thì tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc có thể suy giảm trầm trọng hơn."

Thậm chí, một số nhà phân tích tin rằng một cuộc suy thoái nghiêm trọng có thể xảy ra sớm hơn.

Một sự sụt giảm trong doanh số bán hàng bất động sản và giá cả hồi đầu năm nay được cho là khởi đầu của suy thoái tăng trưởng.

Diện tích sàn bán ra trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi đó, diện tích sàn đang xây dựng tăng 8,1% so với cùng kỳ, còn diện tích sàn mới hoàn thành tăng 5,1%. Lượng cung và cầu chênh lệch nhau đã gây ra tình trạng dư thừa trong thị trường nhà ở.

Trong một báo cáo gần đây, các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính khoảng 25% nhà ở đô thị Trung Quốc hiện đang bị bỏ trống.

Một loạt các ngành công nghiệp phụ trợ, chẳng hạn như thép, phải đối mặt với tình cảnh tương tự./.

Dịch từ nguồn:
http://www.ft.com/intl/cms/s/0/ccb72910-60f1-11e4-894b-00144feabdc0.html?siteedition=intl#axzz3Hy8jQzWQ