Tính đến 8h00 ngày 12/02/2020, sau gần 2 tháng phát hiện, dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã lan ra 26 quốc gia, vùng lãnh thổ

Thiệt hại gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS

Thống kê cho thấy, tính đến 8h00 ngày 12/02/2020, sau gần 2 tháng phát hiện, dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã lan ra 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới là 44.793 người với 1.112 người tử vong. Việt Nam đã phát hiện 15 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi 07 người, chưa có bệnh nhân tử vong. So với dịch SARS (năm 2003) thì số lượng người nhiễm bệnh và chết tăng rất nhanh, vượt xa số ca nhiễm và tử vong do SARS (SARS: từ tháng 11/2002 đến tháng 5/2004 có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 8.000 người nhiễm và 774 người tử vong).

Đánh giá ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực của dịch bệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 12/02/2020 cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài.

Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS (Năm 2003, đại dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD), lên tới 160 tỷ USD.

Nguyên nhân được Bộ này chỉ ra là do vai trò của kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu (trước đây khoảng 4%).

Bên cạnh đó, tính liên kết, kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với thời điểm dịch SARS, nhất là về kết nối thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính, giao thông. Hiệu ứng truyền thông sẽ khuếch đại tác động của dịch rộng và mạnh hơn do mức độ và phạm vi kết nối mạng tại Trung Quốc và trên thế giới sâu rộng hơn rất nhiều.

Một số nền kinh tế thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc hoặc có quy mô thương mại lớn với Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc chiếm hơn hai phần ba tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và đóng góp gần 80% ngành du lịch (Washington Post/Fitch).

Dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019 (Theo Fitch Solutions Macro Research), trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN, tiếp đến là Hong Kong và Việt Nam.

Singapore hạ mức dự báo GDP năm 2020 xuống còn 0,9%, từ mức 1,4%, Hồng Kông có thể giảm tăng trưởng GDP 1,7 điểm %, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm %.

Sẽ có sự sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không, bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài. Theo tính toán, có khoảng 170 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài mỗi năm, tạo ra doanh thu khoảng 260 tỷ USD

Cùng với đó, một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, bị ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô.

Lưu chuyển thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng, gián đoạn do tạm thời đình trệ các chuỗi sản xuất - cung ứng cũng như hạn chế đi lại, giao thương giữa Trung Quốc và các quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, đầu tư quốc tế chịu tác động dưới hai góc độ: (i) Dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài; (ii) Cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, dịch khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư.

Xu hướng phân tán rủi ro trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn theo hướng dần di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sắp xếp lại mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Lĩnh vực bảo hiểm đang bị ảnh hưởng mạnh do gia tăng chi trả bồi thường thiệt hại do dịch gây ra, trước mắt là bảo hiểm du lịch, nhân thọ, kinh doanh; nếu dịch kéo dài, tác động lan rộng trên phạm vi toàn cầu, có khả năng bảo hiểm sẽ là khâu kích hoạt cú sốc tài chính toàn cầu.

Ngoài ra, giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 (ngày 31/1/2020 là 51,48 USD/thùng) do lo ngại về: (i) giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; (ii) kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại.

“Như vậy, dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định./.