Được xây dựng từ năm ngoái, đây là văn bản toàn diện và rõ ràng nhất về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia được Chính phủ Anh công bố trong nhiều thập kỷ qua.

Báo cáo dài hơn 100 trang liên kết các vấn đề an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế toàn cầu của Vương quốc Anh; đồng thời đề ra tầm nhìn cho năm 2030 và các chính sách đối ngoại Vương Quốc Anh sẽ thực hiện để đạt được những mục tiêu đó.

Thủ tướng Anh công bố Báo cáo về tầm nhìn của Vương quốc Anh hậu Brexit với nhiều điểm nhấn mới

Anh đóng vai trò tích cực duy trì trật tự quốc tế

Đây là một năm quan trọng đối với vai trò lãnh đạo của Vương quốc Anh trên các diễn đàn quốc tế, khi Anh là Chủ tịch của tổ chức G7 và chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26).

Phát biểu về bản báo cáo, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Vương quốc Anh sẽ thực hiện các trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong việc duy trì trật tự quốc tế, trong đó các xã hội và nền kinh tế mở tiếp tục phát triển mạnh mẽ và lợi ích của sự phát triển được chia sẻ thông qua thương mại tự do và tăng trưởng toàn cầu. Vương quốc Anh mong muốn đề cao quyền tự do phát biểu, suy nghĩ, lựa chọn và đổi mới. Vương quốc Anh tin rằng nền dân chủ và thị trường tự do vẫn là mô hình tốt nhất cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội của nhân loại”.

Báo cáo đề cập đến những thách thức và cơ hội mà Vương quốc Anh phải đối mặt trong một thế giới cạnh tranh hơn, nơi các nước mới nổi đang vận dụng mọi phương thức để xác định lại trật tự quốc tế. Trong một số trường hợp, điều đó làm suy yếu hệ thống quốc tế cởi mở và tự do đã hình thành sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Báo cáo cũng nêu rõ Vương quốc Anh không thể dựa vào một hệ thống quốc tế ngày càng lỗi thời để bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị của mình. Thay vào đó, Vương quốc Anh sẽ xây dựng chính sách đối ngoại mới của Chính phủ nhằm trở nên tích cực hơn trên trường quốc tế, đồng thời xây dựng một Vương quốc Anh hành động cùng với các đồng minh, sử dụng tất cả các công cụ có thể để hình thành một trật tự quốc tế cởi mở hơn, và phát triển mạnh mẽ các nền dân chủ.

Chuyển hướng chính sách về khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

Vào tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Anh đã công bố kết quả đầu tiên của Báo cáo tổng quát. Đó là chương trình đầu tư lớn nhất cho quốc phòng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cam kết này khẳng định Vương quốc Anh là nước đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO và tiêu biểu cho sự thay đổi toàn diện trong tư duy và cam kết trở thành một đồng minh tích cực hơn.

Trong quá trình xây dựng trật tự quốc tế trong đó các nền dân chủ phát triển, Anh sẽ củng cố các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia: bảo vệ dân chủ và nhân quyền; tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Anh và Mỹ; kiên trì bảo vệ người dân Anh an toàn trước khủng bố và tội phạm có tổ chức nghiêm trọng; và thực hiện vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực phát triển quốc tế. Anh tiếp tục là một trong những nước đóng góp viện trợ lớn nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Báo cáo cũng xác định một số đổi mới về mặt chính sách như chính sách hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là khu vực ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới. Năm nay, tàu sân bay Queen Elizabeth sẽ triển khai hoạt động đầu tiên tới khu vực cùng với các đồng minh NATO. Vương quốc Anh cũng đã nộp đơn để trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN và vào cuối tháng 4, Thủ tướng Anh sẽ tới Ấn Độ trong chuyến thăm nước ngoài quan trọng đầu tiên sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Ưu tiên giải quyết biến đổi khí hậu

Bản báo cáo xác định việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học là ưu tiên quốc tế quan trọng nhất của Vương quốc Anh trong thập kỷ tới. Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên xây dựng các văn bản pháp luật nhằm đạt mục tiêu Net Zero (giảm phát thải về 0) và tất cả các khoản viện trợ trong tương lai của Anh sẽ phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thực hiện chính sách chính trị, kinh tế độc lập

Thủ tướng Anh nhấn mạnh “việc Vương quốc Anh rời khỏi EU có nghĩa là chúng tôi có thể thực hiện các chính sách về mặt chính trị và kinh tế một cách độc lập và phù hợp với lợi ích của Vương quốc Anh và các đồng minh. Chính sách thương mại độc lập mới của Vương quốc Anh đã tạo ra công ăn việc làm và đảm bảo cuộc sống cho người dân ở Vương quốc Anh. Chúng tôi đã ký các Hiệp định thương mại với 66 quốc gia trong đó có Việt Nam, bên cạnh thỏa thuận với EU. Và chúng tôi cam kết sẽ ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia chiếm 80% thương mại của Vương quốc Anh vào cuối năm 2022”.

Ông cũng khẳng định chính sách mới về các biện pháp trừng phạt độc lập đã cho phép Vương quốc Anh hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để bảo vệ các giá trị của quốc gia khi cần thiết. “Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 50 cá nhân vi phạm nhân quyền, bao gồm các cá nhân có quốc tịch Nga, Myanmar và Zimbabwe.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền như việc Trung Quốc đàn áp dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chúng tôi cũng sẽ lên tiếng trong các tổ chức quốc tế để định hình sự phản ứng của cộng đồng quốc tế. Và giờ đây, Vương quốc Anh sẽ xây dựng các mối quan hệ mới với các đối tác trên toàn thế giới, xây dựng một liên minh vì sự cởi mở và đổi mới”, ông Boris Johnson nêu rõ./.