Argentina đề ra biện pháp can thiệp kinh tế để ngăn khả năng vỡ nợ

Chính phủ Argentina dự định tăng cường can thiệp vào nền kinh tế để nỗ lực ngăn chặn khả năng vỡ nợ mới khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Trong 6 tuần kể từ khi Argentina không hoàn thành kế hoạch trả nợ, chính phủ nước này hạn chế số lượng tiền USD dành cho các nhà nhập khẩu, tăng cường trợ cấp và đưa ra các đề xuất để can thiệp vào kế hoạch kinh doanh-sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân.
Các biện pháp mà Chính phủ Argentina hướng tới khôi phục mức dự trữ ngoại tệ đã ở mức thấp hơn trị giá năm tuần nhập khẩu và nâng cao lòng tin tiêu dùng để ngăn nền kinh tế trị giá 490 tỷ USD này tiếp tục suy giảm.

Mỹ và EU mở rộng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Báo Tiêu điểm của Đức cho biết Liên minh châu Âu ngày 12/9 đã chặn nguồn huy động tài chính ở các thị trường tài chính EU đối với các tập đoàn năng lượng và quốc phòng quan trọng của Nga.

Tiếp sau Liên minh châu Âu, Mỹ ngày 12/9 cũng công bố và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, vòng trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga bao gồm mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tổ chức tài chính lớn, các tập đoàn năng lượng hàng đầu và các công ty công nghệ quốc phòng của Nga.

IMF cảnh báo nguy cơ bất ổn nếu Scotland tách khỏi Anh

Việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ tạo ra những thách thức và tác động không nhỏ tới các thị trường.
Đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của về nền độc lập của Scotland, dự kiến vào ngày 18/9 tới.
Phát biểu ngày 11/9 tại Washington (Mỹ), người phát ngôn IMF, ông Bill Murray, nêu rõ việc cử tri Scotland ủng hộ việc tách vùng đất này khỏi Vương quốc Anh để thành lập một quốc gia độc lập sẽ kéo theo những tác động tiêu cực, mà trước tiên đó là sự bất ổn trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống tiền tệ, tài chính và tài khóa mới hoàn toàn khác biệt tại đây.

Hội nghị bộ trưởng tài chính ASEM kêu gọi tăng cường hợp tác Á-Âu

Các bộ trưởng tài chính và đại diện 49 nước thành viên Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (ASEM) và Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị bộ trưởng tài chính lần thứ 11 của ASEM tại thành phố Milan của Italy đã kêu gọi châu Âu và châu Á cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và thu hút nguồn đầu tư.
Hội nghị diễn ra với chủ đề "Một liên minh chiến lược mới tạo tăng trưởng bền vững và sinh lợi," các bộ trưởng đã trao đổi ý kiến về tình hình phát triển kinh tế hiện nay tại châu Âu và châu Á, hoan nghênh chính sách kích thích tăng trưởng của châu Âu cũng như sự phục hồi bền vững và diễn biến tích cực ở các nền kinh tế châu Á nói chung.

LHQ nhất trí thiết lập khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ công

Ngày 9/9, tại thành phố New York, Mỹ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một dự thảo nghị quyết về việc thúc đẩy thiết lập một khuôn khổ pháp lý đa phương về tái cơ cấu nợ công, hay còn gọi là nợ chủ quyền.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, văn kiện này do Argentina thúc đẩy, nhằm tránh những tranh chấp pháp lý tương tự như tranh chấp giữa nước này và một số quỹ đầu cơ liên quan tới thanh toán các khoản nợ sau khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ năm 2001./.