Trong một tuyên bố trên trang Web của mình, Ngân hàng Trung ương cho biết: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng, giảm 100 điểm cơ bản, tỷ lệ RRR còn 18,5%, có hiệu lực từ ngày 20/04.

Một báo cáo được chính thức công bố bởi Tân Hoa Xã cho biết: "Mặc dù tốc độ tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2015 đạt được mục tiêu 7%, nhưng sự suy giảm trong một số lĩnh vực, bao gồm cả sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ đã gây ra mối quan ngại sâu sắc”.

Hoạt động cắt giảm mới đây là mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, cho thấy rằng Ngân hàng Trung ương đang tăng cường nỗ lực để giúp nền kinh tế tránh khỏi sự sụt giảm nghiêm trọng.

Chen Kang, nhà phân tích tại Shenwan Hongyuan Securities nói: "Quy mô cắt giảm của ngân hàng nhiều hơn so với dự kiến, nó sẽ cho ra ít nhất khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (thanh khoản)."

Nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua đã phải chịu gánh nặng bởi cuộc suy thoái bất động sản, dư thừa công suất nhà máy và nợ địa phương, tăng trưởng dự kiến ​​sẽ chậm lại, chỉ còn 7% trong năm nay, giảm so với 7,4% trong năm 2014, ngay cả khi thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.

Trong chuyến thăm tới các ngân hàng lớn vào thứ 6 tuần trước, thủ tướng Lý Khắc Cường đã vận động các ngân hàng cho vay nhiều hơn vì nền kinh tế thực.

Về phía doanh nghiệp, các giám đốc điều hành cho biết họ rất thận trọng khi bắt tay vào một dự án đầu tư mới, nhu cầu thị trường yếu kém đã làm giảm mức định giá sản phẩm.

Ngân hàng Trung ương cũng thông báo cắt giảm RRR mục tiêu; hạ thêm 100 điểm cơ bản cho hợp tác xã tín dụng nông thôn, cũng như hạ thêm 200 điểm cơ bản cho Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc.

Lần gần nhất PBOC cắt giảm RRR cho tất cả các ngân hàng thương mại là vào ngày 04/02 vừa qua, hạ 50 điểm cơ bản, các ngành công nghiệp rộng được cắt giảm RRR lần đầu tiên kể từ tháng 5/2012.

Ngân hàng Trung ương cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất 2 lần kể từ tháng 11 năm ngoái, nhằm giảm chi phí đi vay và thúc đẩy nhu cầu thị trường, nhưng trong khi lãi suất ngắn hạn đã giảm trong những tuần gần đây, hoạt động cho vay dài hạn cho nền kinh tế thực lại không cho thấy nhiều dấu hiệu tăng trưởng.

Arthur Kroeber, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Dragonomics Gavekal cho biết: "Lãi suất thực vẫn khá cao so với lợi nhuận mà các doanh nghiệp đi vay dài hạn có thể nhận được".

Dịch từ nguồn: http://www.reuters.com/article/2015/04/19/us-china-economy-rrr-idUSKBN0NA09X20150419