25 quốc gia châu Phi ký thỏa thuận lập khu vực thương mại tự do

Ngày 10/6, tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, 25 quốc gia châu Phi đã ký thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất lục địa Đen.
Khu vực thương mại tự do ba bên này bao gồm 25 nước thuộc Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), chiếm nửa số thành viên Liên minh châu Phi (AU), bao gồm 625 triệu dân, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1.200 tỷ USD, chiếm 58% GDP châu lục.
Việc ký kết thỏa thuận trên của Ai Cập sẽ bị trì hoãn cho đến khi Quốc hội mới nước này được bầu. Hiện quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa có Quốc hội sau khi Quốc hội được bầu năm 2011 bị giải tán.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá đe dọa xuất khẩu của Trung Quốc

Vốn đã chịu tác động từ nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của Trung Quốc lại đang đối mặt với trở ngại mới: đồng Nhân dân tệ của nước này tăng giá mạnh so với đồng tiền của các đối tác thương mại khác.
Theo dữ liệu mới công bố của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ giá hối đoái tổng hợp thực tế của đồng Nhân dân tệ (được tính toán dựa trên cơ sở trao đổi thương mại so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ và có điều chỉnh trên cơ sở lạm phát) là 130,4 trong tháng Tư, so với mức cơ sở 100 của năm 2010.
Điều này có nghĩa so với năm 2010, đồng Nhân dân tệ đang mạnh hơn 30% những đồng tiền của các đối tác thương mại, đồng thời gần cao bằng mức kỷ lục 131,4 của tháng Ba.

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh nhất trong các nước nhóm G20

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 11/6 đã công bố báo cáo cho biết nền kinh tế Ấn Độ trong quý 1/2015 tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ, Đức và Canada.
Các số liệu trong báo cáo của OECD cho thấy, trong giai đoạn từ tháng Một tới tháng Ba năm nay, kinh tế Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 2,1%, so với mức tăng trưởng 1,4% của ba tháng trước đó.
Cùng kỳ, tăng trưởng GDP trung bình tại các nước thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lại giảm nhẹ, đạt mức trung bình 0,7%, so với mức tăng 0,8% của quý trước đó.

IMF khuyến cáo Ukraine không dùng ngân khoản dự trữ để trả nợ

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 12/6 cảnh báo Ukraine không thể sử dụng khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương nước này để thanh toán nợ cho các chủ nợ như đề xuất mà các chủ nợ trái phiếu đưa ra trước đó.
Theo bà Lagarde, việc Ngân hàng Trung ương Ukraine sử dụng khoản dự trữ để thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài là đi ngược lại với mục tiêu chính của chương trình cho vay tín dụng 17,5 tỷ USD mà định chế tài chính này dành cho Kiev.
Khoản vay này đã được IMF thông qua vào tháng Ba vừa qua nhằm tăng lượng dự trữ quốc gia và là một phần chính trong gói hỗ trợ quốc tế chống khủng hoảng 40 tỷ USD cho Ukraine.

ECB hoãn giải ngân cho Hy Lạp vì lo ngại nước này rời khỏi EU

Theo các nguồn thạo tin, trước mối lo Hy Lạp có thể sẽ rời khỏi mái nhà Eurozone sau 11 năm gắn bó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trì hoãn việc giải ngân khoản cứu trợ tài chính cho Hy Lạp đến cuối tháng này.

Trước đó, ngày 11/6, cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp tại Brussels (Bỉ) rơi vào bế tắc khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bất ngờ rút phái đoàn đàm phán, do cõ quá nhiều bất đồng.
Khả năng đạt được thỏa thuận để giải ngân cho Hy Lạp khoản tiền 7,2 tỷ Euro còn lại trong gói cứu trợ quốc tế trị giá nhiều tỷ Euro là rất xa vời./.