Hai tuần trước, ngẫu nhiên tôi lên lịch đi Kiev và Hà Nội và đó cũng tình cờ là một chuyến đi đầy khám phá. Ukraina và Việt Nam đều là các quốc gia trung bình nằm cạnh những gã láng giềng khổng lồ có toan tính. Ukraina đang phải đối mặt với nước Nga suy thoái đang tìm lại vị thế. Còn Việt Nam thì phải đương đầu với Trung Hoa trỗi dậy đang kiếm tìm dầu mỏ khắp nơi bất kể nó là đất của người khác.

Thái độ của Nga về phía Ukraina rất rõ ràng: “Hợp nhất, hoặc tôi sẽ nhấn chìm anh”. Còn thái độ của Trung Quốc với Việt Nam có thể hình dung bằng câu thoại trong phim There Will Be Blood: Ta có một cái ống hút thật dài, vì thế ta sẽ uống nước của ta và cả của chúng nó nữa. Trong khi đó, Mỹ đang cố gắng tìm cách hậu thuẫn cuộc chiến giữa Việt Nam và Ukraina với quốc gia láng giềng khổng lồ mà không bị dính vào bất cứ tranh chấp nào.

Cả hai cuộc xung đột đều là dẫn chứng về thế giới hậu-hậu-Chiến tranh lạnh. Sự can thiệp của Nga ở Ukraina, hay của Trung Quốc ở lãnh hải Việt Nam không phải chỉ khởi nguồn từ ý thức hệ hay tham vọng bá chủ thế giới, mà còn từ cạnh tranh về tài nguyên, lợi ích kinh tế và về tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trung Quốc chưa chính thức xung đột với người láng giềng của mình mà chỉ lấp ló sau tấm màn. Trung Quốc điều tàu chiến hộ tống 70 tàu dân sự đến biển Đông. Truyền hình Việt Nam cho phát những đoạn phim tường thuật lại cuộc đụng độ trên biển: Khi tàu cảnh sát biển của Việt Nam yêu cầu một tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực Vùng đặc quyền kinh tế của họ, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu Việt Nam và làm bị thương 6 thuyền viên. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Đó là một câu chuyện nghiêm trọng đối với Hà Nội.

Chiến thuật của Trung Quốc đủ cứng rắn để tỏ rõ quan điểm của họ, nhưng cũng đủ để không khiến cộng đồng quốc tế phản ứng quá mạnh.

Tuy nhiên, thời điểm mà Bắc Kinh chọn, ngay sau khi Tổng thống Barack Obama kết thúc chuyến thăm một loạt nước châu Á và chỉ trích những tuyên bố chủ quyền quá mức bành trướng của Trung Quốc, thì đây quả thật là một gáo nước lạnh vào giữa mặt ngài Tổng thống.

"Đó đúng là một cú sốc thực sự cho cả khu vực", Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Hà Huy Thông nói với tôi.

"Họ sử dụng tàu dân sự để gây hấn, thế nên khi xảy ra đụng độ, họ tri hô lên rằng chúng tôi tấn công dân thường của họ", ông Thông cho biết.

Nhưng, Việt Nam không có nhiều lựa chọn. Và hành vi của Trung Quốc không chỉ là sự xâm phạm đối với chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế - Phó chủ nhiệm Hà Huy Thông nói thêm.

Cách duy nhất để ngăn chặn các cường quốc của khu vực khi họ bắt nạt quốc gia láng giềng là bằng sự liên minh của tất cả các nước láng giềng với nhau. Nhưng, rất khó để xây dựng những liên minh như vậy khi mà mối đe dọa chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia, nhất là khi quốc gia đe dọa kiểm soát giao thương không nhỏ đến các nước còn lại của châu Á trong trường hợp của Trung Quốc.

Việt Nam có câu truyện ngụ ngôn về bó đũa: Bẻ một chiếc đũa thì dễ, nhưng rất khó bẻ được cả bó đũa. Cách duy nhất để ngăn cản cường quốc trong khu vực khi họ bắt nạt một nước là liên kết với những người láng giềng còn lại. Nhưng, xây dựng một liên minh như thế rất khó khăn khi mà sự đe dọa đối với một quốc gia còn tương đối thấp và Trung Quốc lại nắm thương mại của nhiều nước châu Á. Trước khi thành lập được một liên minh như thế, Việt Nam cần có một ai đó dám nói với ai đó khác hãy hạ nhiệt.

Nga, Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố và lợi ích để xem xét. Nhưng, nếu định thuyết phục Moscow và Bắc Kinh giải quyết tranh chấp biên giới một cách hòa bình, chứ không phải đơn phương, thì rõ ràng chúng ta cần thêm vài chiếc đũa cho bó đũa.

Đây là lý do tại sao ngày nay việc Mỹ xây dựng liên minh cũng quan trọng không kém việc thực thi quyền lực của mình./.

Lược dịch từ:

http://www.nytimes.com/2014/05/11/opinion/sunday/friedman-more-chopsticks-please.html?smid=tw-TomFriedman&seid=auto&_r=1