IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2014

Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong năm 2014, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra trong tháng 1. Đồng thời, IMF cũng hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống 3,9% so với mức 4% dự báo trước đó.

IMF cho rằng hoạt động kinh tế toàn cầu đã được củng cố trong nửa cuối năm 2013 và đà tăng trưởng này sẽ được cải thiện hơn trong hai năm 2014-2015.

Tuy nhiên, nguy cơ suy giảm kinh tế chưa phải đã hết do các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn đóng góp hơn 2/3 trong tổng mức tăng trường toàn cầu, vẫn đang phải đối mặt với các biến động thị trường và dễ bị tổn thương trước các nhân tố tác động từ bên ngoài.

Nguy cơ từ việc Mỹ chấm dứt nới lỏng tiền tệ

IMF nêu rõ, thời điểm và giám sát quá trình chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ là vô cùng quan trọng. Chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ vào thời điểm không thích hợp có thể ảnh hưởng tới ổn định tài chính của Mỹ cũng như toàn thế giới và tác động tới cả những nền kinh tế đang phát triển. Còn kéo dài quá mức chính sách trên có thể làm gia tăng các nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính. Ngược lại, chấm dứt quá đột ngột cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Nợ công của Đức năm 2013 giảm, nhưng vẫn cao

Theo số liệu mới công bố, Chính phủ Đức đã giảm bớt gánh nặng nợ công trong năm 2013, nhưng số nợ công này vẫn cao hơn mức trần quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Đức (Budesbank), nợ công của nước này năm 2013 là gần 2.150 tỷ Euro (khoảng 2.960 tỷ USD), tương đương với 78,4% GDP của nước này, tức cao hơn khá nhiều so với mức 60% GDP theo quy định của EU.

Tuy nhiên, tình hình nợ công năm 2013 của Đức đã có nhiều cải thiện so với năm 2012, khi nợ công leo lên 2.160 tỷ euro và tương đương 81% GDP của nước này.

Vận tải biển Trung Quốc trước nguy cơ phá sản

Liên tiếp 3 năm qua, các công ty vận tải biển ở Trung Quốc bị những chuyên gia kinh tế liệt vào danh sách các ngành có nguy cơ phá sản. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận nguy cơ phá sản của ngành này.

Các hãng vận tải lớn lần lượt báo lỗ hoặc lãi không đáng kể trong 3 năm liên tiếp. Toàn bộ 41 hãng vận tải biển ở Hà Bắc và 55 công ty ở Sơn Đông đều thua lỗ trong năm 2013.

Tình hình kinh doanh của các công ty nhà nước cũng không khá hơn. Hãng vận tải biển Chang Jiang Shipping Group Phoenix đang vướng vào vụ kiện nợ tới 2 tỷ NDT (325,7 triệu USD) với các ngân hàng. Một số tài sản của hãng này đã bị đóng băng. Chỉ trong nửa đầu năm 2013, công ty này thua lỗ 360 triệu NDT (58,6 triệu USD). China Shipping Container Lines Co. - Công ty vận tải container đường biển do Nhà nước nắm đa số cổ phần cũng báo cáo mức lỗ ròng 2,6 tỷ NDT (420 triệu USD) trong năm 2013.

Một trong những giải pháp được cho là có bước đột phá cho ngành vận tải biển là nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài. Việc này sẽ được thực hiện khi Khu thương mại tự do (FTZ) Shanghai nhận được sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Nga đề xuất sử dụng đồng Ruble trong giao dịch quốc tế

Các nghị sỹ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) vừa đề nghị các công ty xuất khẩu Nga cân nhắc về khả năng chuyển đổi hình thức thanh toán từ đồng USD sang đồng Ruble đối với các hợp đồng thương mại quốc tế.

Ông Andrei Kostin, người đứng đầu VTB - ngân hàng lớn thứ hai ở Nga, đã bày tỏ sự ủng hộ "ý tưởng" trên vì cho rằng nó sẽ giúp nền kinh tế Nga giảm bớt những ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài.

Theo ông, Nga có thể giảm sự phụ thuộc vào những thay đổi thất thường của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nếu các đối tác thương mại nước ngoài dùng tiền Ruble để thanh toán những lô hàng xuất khẩu.

Nigeria trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi

Theo nguồn tin chính thức Nigeria - quốc gia đông dân nhất và sản xuất dầu mỏ hàng đầu của châu Phi, đã trở thành nền kinh tế lớn nhất tại lục địa, vượt qua Nam Phi, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 510 tỷ USD năm 2013,.

Yemi Kale, người phụ trách Văn phòng Thống kê quốc gia của Nigeria, đã công bố con số GDP nói trên. Theo cùng một cách tính toán theo phương pháp mới, trong năm 2012, GDP của Nigeria đạt 453,9 tỷ USD, trong khi đó Nam Phi đạt 384 tỷ USD./.