Đây là dự báo của các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới đưa ra trước một cuộc họp tới đây ở Washington giữa tổng thống của ba nước bị ảnh hưởng chính - Guinea, Liberia và Sierra Leone - và người đứng đầu của các tổ chức quốc tế quan trọng. Thông tin từ cuộc họp cho biết, chi phí xử lý ổ dịch ngày càng tăng và đã khiến ít nhất 3.879 người thiệt mạng ở Tây Phi, hơn nữa, trong tuần này một y tá ở Madrid đã bị nhiễm virus, ca bệnh đầu tiên không thuộc phạm vi các nước châu Phi.

Lời cảnh báo của Ngân hàng Thế giới cũng được đưa ra ngay khi các bác sĩ ở Texas cho biết, một người đàn ông 42 tuổi mắc phải Ebola trong chuyến thăm tới Liberia hồi tháng trước đã chết trong một khu cách ly tại một bệnh viện Dallas dù đã được điều trị bằng thuốc kháng virus thử nghiệm.

Tại Tây Ban Nha, thủ tướng Mariano Rajoy kêu gọi người dân bình tĩnh sau khi một y tá tiếp xúc với bệnh nhân Ebola tại một bệnh viện ở Madrid đã trở thành người thứ sáu bị giám sát y tế. Trong một tuyên bố trước Quốc hội, ông Rajoy kêu gọi công chúng để cho các chuyên gia y tế làm việc của họ và nói rằng Tây Ban Nha có một trong những "hệ thống y tế tốt nhất trên thế giới".

Trong khi đó, Anh thông báo sẽ cử 750 nhân viên quân sự tới Sierra Leone để giúp chống lại sự lây lan của căn bệnh này, đồng thời hỗ trợ một tàu hải quân và 3 máy bay trực thăng đến giúp các vùng sâu vùng xa. Anh cũng cam kết mở thêm các cơ sở y tế trong cả nước, hỗ trợ thêm 700 giường bệnh.

Lo lắng về tác động ngày càng tăng từ nạn dịch Ebola đã ảnh hưởng đến cổ phiếu trong các hãng hàng không, khách sạn và công ty du lịch. Các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ tăng cường kiểm tra sức khỏe của hành khách từ Tây Phi và các nhà đầu tư thì lo ngại về khả năng tác động lớn đối với du lịch do người dân quan ngại sẽ bị lây lan mầm bệnh từ vùng dịch.

Theo Ủy ban Lữ hành và Du lịch Thế giới, đại diện cho các hãng hàng không, một số điểm đến quan trọng đã giảm 30% lượng khách đặt trước.

Tuy nhiên, mối quan tâm chính vẫn là ảnh hưởng của nạn dịch tại châu Phi, nơi mà các ca nhiễm Ebola tiếp tục leo thang và các quan chức lo sợ hậu quả có thể xảy ra đối với nền kinh tế, do đó đang cố gắng tăng trưởng nhanh chóng và chuyển đổi kinh tế.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới trong một kịch bản “Ebola giảm”, thì GDP của 3 quốc gia Tây Phi ước tính sẽ giảm đi khoảng 3,8 tỷ USD vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, theo kịch bản “Ebola tăng” khác , thì ổ dịch sẽ lây lan sang các nước láng giềng ở phía tây châu Phi như Ghana, Nigeria và Senegal, khiến kinh tế của khu vực này giảm 7,4 tỷ USD trong năm nay và giảm thêm 25,2 tỷ USD vào năm 2015, tương đương với 3,3% GDP trong khu vực.

"Đây là một con số vô cùng lớn, không chỉ đối với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất mà còn với cả khu vực nói chung. Điều này có khả năng gây ra sự bất ổn và đòi hỏi hành động ngay lập tức", dẫn lời từ bản báo cáo.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã cảnh báo hồi tháng trước rằng, nếu không thể kiểm soát, các ổ dịch có thể gây ra 1,4 triệu ca nhiễm Ebola và khoảng 700.000 người chết vào cuối tháng 1/2015 đối với 3 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho biết, con số này sẽ tương đương với số người tử vong trong những trường hợp bình thường khác ở các nước này trong khoảng thời gian ba năm trở lên.

Các tác động chính đối với kinh tế của khu vực sẽ đến thông qua các thị trường lao động bởi họ không thể đi làm vì căn bệnh này, hoặc chọn ở nhà để tránh lây nhiễm. Mặt khác, các vấn đề như kiểm tra sức khỏe và rào cản sẽ gây trì trệ đối với thương mại và tăng chi phí vận chuyển, các nhà kinh tế cho biết./.

Dịch từ nguồn:
http://www.ft.com/intl/cms/s/0/a8439bf4-4eb3-11e4-a1ef-00144feab7de.html?siteedition=intl#axzz3Fbmj6Wz2