Cụ thể, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhóm Bộ tứ cho vay của châu Âu - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và Quỹ Hỗ trợ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã được nối lại.

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hy Lạp và IMF đang căng thẳng. Trong bức thư gửi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nêu rõ, các cuộc thương lượng hiện nay giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế cần phải có thêm thời gian mới có thể thống nhất đưa ra một chương trình hành động chặt chẽ. Bà khẳng định IMF chỉ có thể ủng hộ một chương trình "đáng tin cậy, thực tế, hứa hẹn mục tiêu giúp Hy Lạp tăng trưởng nền kinh tế" trong khi từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ của nước này.

Nhận định của Tổng giám đốc IMF được cho là nhằm phản hồi lá thư trước đó một ngày của Thủ tướng Tsipras, trong đó yêu cầu IMF nêu rõ quan điểm của thể chế này về tiến trình đàm phán nợ. Những lo ngại của nhà lãnh đạo Hy Lạp xuất phát từ việc một tài liệu nghe lén cuộc thảo luận nội bộ của IMF bị rò rỉ và được trang mạng WikiLeaks đăng tải ngày 2/4.

Theo nội dung bị nghe lén, các đại diện IMF bày tỏ mất niềm tin rất lớn vào Chính phủ Hy Lạp, cũng như các chủ nợ châu Âu liên quan tới tiến trình đàm phán về gói cứu trợ mới cho nước này.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính Hy Lạp cho hay, tại cuộc họp đầu tiên của vòng đàm phán mới, hai bên đã nhất trí về lịch trình thảo luận trong những ngày tới, nhằm đưa đợt đánh giá được khởi động từ tháng Một “về đích” trước khi Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurogroup) nhóm họp vào ngày 22/4. Ngoài ra, đây cũng là điều kiện tiên quyết để Eurogroup có thể “bật đèn xanh” cho việc tái cấp vốn cho Athens.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tỏ ra rất lạc quan khi khẳng định cuối cùng thì sau sáu năm, Chính phủ Hy Lạp và các tổ chức châu Âu đã có thể tiến gần đến một thỏa thuận hoàn chỉnh về các nỗ lực tài chính nhằm kết thúc đợt thanh tra.

Người đứng đầu chính phủ Hy Lạp bày tỏ hy vọng đợt đánh giá thành công tốt đẹp sẽ mở đường để Athens tiếp cận số tiền cứu trợ 5 tỷ euro và khởi động các cuộc đàm phán về cắt giảm nợ cũng như thuyết phục người dân Hy Lạp rằng sự hy sinh của họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Số tiền 5 tỷ Euro sẽ được dùng để hoàn trả các khoản vay từ IMF, trái phiếu đến hạn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các hóa đơn nội bộ chưa được thanh toán.

Cuối năm 2015, các chủ nợ quốc tế đã nhất trí một gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro dành cho Xứ sở các vị Thần. Tính đến nay Athens đã nhận được hơn 21 tỷ Euro trong đợt giải ngân đầu tiên trị giá 26 tỷ Euro.

Đợt đánh giá tiến trình cải cách nhằm đổi lấy tiền cứu trợ của Hy Lạp đã trì hoãn hai lần kể từ tháng Hai năm nay, chủ yếu do các chủ nợ chưa thống nhất được những ước tính về “lỗ hổng” tài chính của Hy Lạp đến năm 2018 và những bất đồng giữa họ với Athens liên quan đến cải cách hệ thống lương hưu và quản lý các khoản nợ xấu./.