Nhiều điểm sáng...

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á quý III/2016, trong những tháng vừa qua, kinh tế châu Á đã có những chuyển biến tích cực. Các chính sách kích thích kinh tế được Trung Quốc áp dụng đầu năm nay đã tạo đà tăng trưởng cho quốc gia này. Và đến nay, kinh tế vẫn may mắn ở mức ổn định với nhóm ngành sản xuất đang rất chật vật để đạt trên mức trung bình, được phản ánh ở Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI). Những chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc đã phát huy tác dụng tích cực ở một vài nhóm ngành: tăng trưởng nhu cầu nhà đất và kích thích cơ sở hạ tầng phát triển (và đưa một số nhà máy thép đi vào hoạt động).

Ấn Độ đang có một bước tiến vững chắc. Tăng trưởng ấn tượng ở mức nhỉnh hơn 7% dù rằng tăng trưởng không phải lúc nào cũng đạt mức kỳ vọng. Hiện tại, tín dụng cũng bị hạn chế do các ngân hàng thương mại đang chỉnh đốn các bản cân đối kế toán. Nhưng may mắn thay, diễn biến kinh tế thế giới tác động rất nhỏ đến quốc gia này. Cải cách nhanh chóng sẽ giúp tình hình khá hơn. Các quốc gia hàng xóm như Sri Lanka và Bangladesh đang phát triển rất tích cực với sự xuất hiện của Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF, giúp củng cố quá trình cải cách.

Tình hình Úc vẫn rất tươi sáng với nền kinh tế chưa từng bị tuột dốc trong suốt 25 năm qua và được dự báo sẽ vẫn tiếp tục khả quan. Điều đó thực sự không tệ trong bối cảnh những gì đang diễn ra trên toàn cầu trong thập niên vừa qua. Và thậm chí điều đó còn ấn tượng hơn khi xứ sở chuột túi đã vượt qua thời kỳ bùng nổ khai khoáng ngoạn mục mà không chịu nhiều ảnh hưởng. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đi xuống chút đỉnh trong năm tới, sẽ dẫn tới tăng trưởng tại Úc cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Ngay sát bên, New Zealand đã chuyển đổi bất ngờ từ thời kỳ bùng nổ các sản phẩm từ sữa sang nhà đất. Ngôi sao đang lên này có thể sẽ không quá sáng chói trong năm 2017 như thời điểm hiện tại nhưng vẫn là một quốc gia đáng chú ý.

Triển vọng kinh tế châu Á có nhiều điểm sáng

Kinh tế tất cả các nước ASEAN đều vẫn vững mạnh. Philippines vẫn dẫn đầu, nằm trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất châu Á. Tổng thống mới của quốc gia này có thể cũng sẽ mạnh tay chi tiền cho cơ sở hạ tầng nhằm tăng thêm sức cạnh tranh. Indonesia cũng đã lấy lại được phong độ. Tăng trưởng ổn định, cải cách vẫn đang được tiến hành và lòng tin thị trường vẫn mạnh mẽ. Kinh tế Malaysia ngược lại đang giảm nhiệt, với giá trị đồng tiền giảm, không thể thúc đẩy xuất khẩu như kỳ vọng. Khách du lịch vẫn đang đổ về Thái Lan, chi tiêu của du khách vẫn đang là nguồn động lực cho phát triển và giúp cải thiện tình hình kinh tế ảm đạm do hạn hán nghiêm trọng gây ra. Hạn hán cũng tác động đến sự tăng trưởng của Việt Nam, nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng. Tình hình tại Singapore không được như mong đợi, đất nước này vẫn đang gồng mình đối phó với những thay đổi bất thường của thương mại toàn cầu. Rất may mắn, nguồn tài chính vững mạnh có thể giúp quốc đảo vượt qua giai đoạn khó khăn này.

...và điểm tối đan xen

Báo cáo của HSBC nhận định, bên cạnh những điểm tích cực, tình hình lại thiếu khả quan ở một số quốc gia. Brexit đã tác động mạnh mẽ lên Nhật Bản khi đồng yen tăng giá nhanh chóng. Đồng yen mạnh lên sẽ khiến lợi nhuận của những nhà xuất khẩu suy giảm và do đó, làm giảm chi phí đầu tư tài sản cố định nội địa. Hơn nữa, mục tiêu lạm phát 2% do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề xuất sẽ khó trở thành hiện thực. Nhật Bản hoàn toàn có thể ổn định với giá trị hiện tại của đồng yen. Nhưng nếu đồng tiền này càng tăng giá, nó sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho nền kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ một lần nữa áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ “bazooka” trong vài tháng sắp tới. Tuy nhiên, lần này, nhà nước có thể sẽ sử dụng gói tài chính lớn hơn. Tất cả những nỗ lực trên nhằm giúp tăng trưởng kinh tế ổn định trong một thời gian ngắn (nếu không trực tiếp chỉ ra những vấn đề cấu trúc đang làm đau đầu Nhật Bản).

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang gặp một ít vấn đề. Tăng trưởng có thể sẽ lại đi xuống trong những quý kế tiếp. Vấn đề lớn nhất nằm ở nhóm ngành xuất khẩu khi nhu cầu về kỹ thuật hàng hải suy giảm và chu trình sản xuất hàng điện tử bị chậm lại. Nhằm thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu gia tăng, nước này có thể cần tiến hành thêm hai đợt giảm lãi suất. Đài Loan cũng đang đối mặt với vấn đề nhu cầu hàng công nghệ đang yếu dần, mặc dù tốc độ tăng trưởng của khu vực này vẫn tiếp tục đi lên trong năm tới, nhưng chủ yếu là do Đài Loan đã phải hứng chịu tình hình suy thoái trong năm 2016. Hồng Kông cũng không nên quá hài lòng với hiện tại khi ngành vận tải, du lịch, bất động sản và tài chính đều ảm đạm. Nhưng tình hình tăng trưởng sẽ vẫn khá tốt trong năm sau.

Theo đánh giá chung của HSBC, tăng trưởng khu vực vẫn khá ổn. Tuy nhiên, châu Á vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Để biến điều này thành hiện thực, HSBC cho rằng các quốc gia châu Á cần tiếp tục cải cách./.