Ngân hàng BRICS phát hành trái phiếu xanh trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) ngày 12/7 thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu xanh bằng đồng Nhân dân tệ nhằm tăng nguồn ngân quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch.

Vào ngày 18/7 tới, ngân hàng do các nước thành viên trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thành lập và có trụ sở tại Thượng Hải này dự định phát hành số lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ với thời hạn 5 năm.

Ngân hàng Trung Quốc (BOC) được ủy thác giữ vai trò điều hành phát hành trái phiếu; với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ICBC), HSBC và Standard Chartered trong nhóm bao tiêu.

Kinh tế Hy Lạp vẫn khó khăn sau ba gói cứu trợ quốc tế

Báo Le Monde (Pháp) nhận định sau khi nhận được ba gói cứu trợ quốc tế với tổng trị giá lên tới hơn 320 tỷ Euro, nền kinh tế Hy Lạp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Le Monde cho rằng Hy Lạp sẽ phải mất nhiều năm mới có thể thoát khỏi hậu quả của cuộc khủng hoảng và cải thiện tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 24,1% - tỷ lệ cao kỷ lục trong Khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone).

Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dưới 25 tuổi lên đến 50,4%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như doanh thu của các công ty vừa và nhỏ cũng đều giảm 25% so với năm 2009.

Trong khi đó, đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ giảm tận 65% so với năm 2007. Hiện nhiều công ty vẫn đang tiếp tục phá sản. Bên cạnh đó, các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Athens buộc phải áp dụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế đã khiến dân chúng chán nản, suy sụp tinh thần.

Các nước giàu khó đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ

Hầu hết các nước giàu trên thế giới đều thất bại trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Đây là nội dung chính trong báo cáo của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ xã hội Đức “Bertelsmann Stiftung” công bố ngày 14/7.

Báo cáo cũng cho biết trong danh sách 149 nước khảo sát về khía cạnh trên, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Sĩ, Đức đứng trong tốp đầu còn Vương quốc Anh đứng thứ 10. Mỹ đứng thứ 25 sau Hunggary và trước Cộng hòa Slovakia.

Trong số những nền kinh tế lớn trên thế giới, Pháp đứng thứ 11, Canada đứng thứ 13, Nhật Bản đứng thứ 18, Brazil đứng thứ 52, Trung Quốc đứng thứ 76 và Ấn Độ đứng thứ 110.

Chính phủ Nhật Bản hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế 2016

Chính phủ Nhật Bản ngày 13/7 đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2016 trong bối cảnh nước này chưa thể vực dậy nền kinh tế đang suy giảm như hy vọng sau khi chính phủ lần thứ hai trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng.

Theo thông báo của Văn phòng Nội các, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2016 từ mức 1,7% như dự đoán hồi tháng 1 xuống còn 0,9%.

Số liệu dự đoán trên không gồm những ảnh hưởng của các biện pháp kích thích được chính phủ áp dụng trong tháng này và đã được đưa ra sau khi Thủ tướng Abe quyết định tiếp tục hoãn lại việc tăng thuế tiêu dùng từ tháng 4/2017 đến 10/2019.

OPEC dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ sẽ giảm

Ngày 12/7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu sẽ giảm hơn nữa trong năm nay và năm sau do các nước xuất khẩu dầu mỏ bên ngoài tổ chức này cắt giảm sản lượng, đặc biệt là Mỹ.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khai thác xuống 56 triệu thùng/ngày trong năm nay từ mức 57 triệu thùng/ngày năm 2015.

Trong năm 2017, các nước trên sẽ giảm tiếp sản lượng xuống 55,9 triệu thùng/ngày, trong đó một phần là do các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ tiếp tục cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá nhiên liệu này cao hơn mức 45-50 USD/thùng hiện nay. Nếu dự báo trên trở thành sự thật, đó sẽ là minh chứng cho thấy chiến lược của OPEC kể từ năm 2014 là giữ sản lượng ở mức cao bất chấp giá dầu thấp nhằm ép các nhà sản xuất dầu mỏ ngoài tổ chức này giảm sản lượng là đúng đắn./.