Các nước thu nhập cao sẽ tăng trưởng mạnh

Theo Worldbank, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ tăng từ mức 2,4% năm 2013 lên 3,2% trong năm nay và ổn định ở mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016, chủ yếu do tăng trưởng mạnh tại các nước thu nhập cao.

Tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ tăng từ mức 4,8% năm 2013 lên 5,3% năm nay, thấp hơn một chút so với dự báo, 5,5% năm 2015 và 5,7% năm 2016. Tuy tốc độ tăng trưởng có kém 2,2 điểm phần trăm so với thời kỳ bùng nổ 2003-07, nhưng đó không phải là điều đáng ngại.

“Mức khác biệt đó thể hiện sự giảm nhiệt quá trình tăng trưởng nóng và không bền vững thời kỳ trước khủng hoảng, chứ không liên quan đến sụt giảm tiềm năng tăng trưởng tại các nước đang phát triển”, báo cáo chỉ rõ.

Đối với các nước thu nhập cao, tác động làm chậm tăng trưởng của việc thắt chặt tài chính và bất ổn chính sách sẽ giảm đi, giúp tăng trưởng từ 1,3% năm 2013 lên 2,2% năm nay và ổn định ở mức 2,4% năm 2015 và 2016.

Báo cáo cũng chỉ rõ, Hoa Kỳ phục hồi sớm nhất với GDP tăng trưởng liên tục 10 quý vừa qua. Nền kinh tế Hoa Kỳ dự tính sẽ tăng trưởng 2,8% năm nay (năm 2013 là 1,8%), và ổn định ở mức 2,9% năm 2015 và 3,0% năm 2016.

Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro, sau hai năm sụt giảm, dự định sẽ đạt 1,1% năm nay, và 1,4% và 1,5% trong các năm 2015 và 2016.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế toàn cầu không phải đã hoàn toàn sáng sủa. Các chỉ số kinh tế toàn cầu đều cải thiện. Nhưng vẫn có thể nhận thấy còn nhiều nguy cơ ẩn dưới bề mặt đó. Khu vực đồng Euro đã thoát khỏi suy thoái nhưng thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn đang giảm.

Do vậy, ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: “Cần phải tránh tình trạng tê liệt chính sách để làm sao mầm xanh không bị biến thành gốc cây khô héo”.

Báo cáo cũng dự báo, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 3,1 % năm 2013 lên 4,6% năm nay và 5,1% năm 2015 và 2016.

Mặc dù vậy, giá hàng hóa thấp sẽ kéo theo sụt giảm nguồn thu từ thương mại. Nằm giữa thời kỳ cao điểm cuối năm 2011 và thời kỳ hạ thấp tháng 11/2013 giá thực tế nhiên liệu hiện nay đã giảm 9% và giá thực phẩm giảm 13%. Trong khi đó giá kim loại và khoáng chất giảm 30%. Áp lực hạ giá hàng hóa sẽ tiếp tục kéo dài, một phần cũng vì nguồn cung được bổ sung.

Luồng vốn tư nhân chảy vào các nước đang phát triển

Báo cáo cũng chỉ rõ, chi chính sách tiền tệ tại các nước thu nhập cao bình thường hóa trở lại nhờ vào tăng trưởng, thì tỷ lệ lãi suất trên toàn cầu sẽ tăng dần. Tác động của chính sách thắt chặt điều kiện tài chính có trật tự lên đầu tư vào các nước đang phát triển không đáng kể; theo đó lượng vốn chảy vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 4,6% GDP năm 2013 xuống còn 4,1% GDP năm 2016.

Tuy vậy, tùy theo mức độ phản ứng của thị trường, dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển có thể bị cắt giảm đến 50% hoặc hơn trong vòng vài tháng. Nếu điều đó xảy ra thì các nước bị thâm hụt cán cân thanh toán đáng kể hoặc nợ nước ngoài nhiều, hoặc các nước mở rộng tín dụng mạnh trong những năm gần đây sẽ là những nước bị ảnh hưởng nhất.

Báo cáo cũng cảnh báo, tuy các nước đang phát triển phản ứng với khủng hoảng tài chính bằng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ nhưng qui mô các biện pháp đó cũng giảm đi và ngân sách chính phủ cũng như cán cân thanh toán hầu hết các nước đều đang thâm hụt.

“Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ về phương án đối phó với chính sách thắt chặt tài chính toàn cầu. Các nước có vùng đệm chính sách hợp lý và giành được niềm tin của nhà đầu tư có thể dựa vào cơ chế thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô thoát khỏi chu kỳ kinh tế và các chính sách cẩn trọng khác nhằm khắc phục suy giảm nguồn vốn chảy vào”, báo cáo nêu rõ.

Điểm lại mức tăng trưởng của các khu vực

Tăng trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã giảm 3 năm liền và đạt mức 7,2% năm 2013 do tăng trưởng tại Indonesia, Malaysia và Thái lan chững lại.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc dự tính sẽ giữ ở mức cũ 7,7% trong năm 2014, giảm xuống 7,5% trong hai năm sau đó, thể hiện sự giảm đòn bẩy tài chính và giảm phụ thuộc vào đầu tư từ chính sách. Khu vực vẫn chịu rủi ro bởi sự cắt giảm đầu tư không trật tự tại Trung Quốc và thắt chặt đột ngột tình hình tài chính toàn cầu. Các nước xuất khẩu hàng hóa cũng nhạy cảm với giá cả hàng hóa giảm mạnh hơn dự đoán.

Tăng trưởng tại các nước đang phát triển châu Âu và Trung Á đã tăng trong năm 2013 và đạt mức 3,4%, do tăng xuất khẩu vào các nước châu Âu có thu nhập cao và việc các nước xuất khẩu năng lượng Trung Á tiếp tục mạnh. Các nước Trung Á và Đông Âu có quan hệ thương mại và tài chính chặt chẽ với các nước thu nhập cao châu Âu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ phục hồi kinh tế tại các nước này. Trên cơ sở đó, tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 3,5% năm 2014, tăng dần lên 3,7% và 3,8% trong hai năm 2015-2016.

“Các rủi ro bao gồm sự quay trở lại tình trạng yếu kém tại khu vực đồng Euro và tại Nga, điều chỉnh không theo trật tự với tình hình tài chính thắt chặt toàn cầu và giá cả hàng hóa tiếp tục giảm mạnh”, báo cáo chỉ rõ.

Thương mại toàn cầu giảm, tình hình tài chính thắt chặt và thị trường hàng hóa suy giảm năm 2013 đã buộc các nước Mỹ La tinh và Ca-ri-bê phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng thấp.

Tăng trưởng cầu nội địa thấp, nhất là tại Brazil, nhưng hoạt động kinh tế lại bắt đầu phục hồi tại Mexico và xuất khẩu tăng trưởng tại Trung Mỹ, một phần do kênh đào Panama được mở rộng.

Tăng trưởng khu vực dự tính sẽ tăng lên mức 2,9% năm 2014; 3,2% năm 2015 và 3,7% năm 2016. Tăng mạnh xuất khẩu, và tăng tiêu dùng sẽ kéo tăng trưởng Brazil lên mức 3,7% năm 2016. Nhờ vào tăng trưởng tại Hoa Kỳ, Mexico sẽ đạt mức tăng trưởng 3,4% năm 2014, và tăng lên 4,2% năm 2016. Rủi ro đối với khu vực bao gồm lãi suất toàn cầu tăng mạnh và giá cả hàng hóa giảm sâu và kéo dài.

Các nền kinh tế đang phát triển tại Trung Đông và Bắc Phi sẽ vẫn bị hạn chế. Bất ổn chính trị tại Ai Cập, bế tắc tại Tunisia, và nội chiến leo thang tại Syria, với tác động lan tỏa sang Li băng và Jordan, đã làm suy giảm các hoạt động kinh tế tại các nước nhập khẩu dầu mỏ này. Đồng thời tình trạng an ninh kém, đình công, cơ sở hạ tầng yếu, và, trong trường hợp Iran, cấm vận quốc tế đã tác động tiêu cực lên các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tăng trưởng toàn khu vực giảm 0,1% năm 2013, sẽ tiếp tục yếu và không chắc chắn. Mức tăng trưởng trung bình sẽ đạt 2,8% năm 2014, 3,3% năm 2015 và 3,6% năm 2016, tức là nằm dưới tiềm năng của khu vực.

Tăng trưởng khu vực Nam Á đạt mức khiêm tốn năm 2013, do Ấn Độ tăng trưởng kém trong bối cảnh lạm phát cao, thâm hụt cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách. Tăng trưởng toàn vùng ước sẽ đạt 5,7% năm 2014, và tăng lên 6,7% năm 2016 chủ yếu nhờ vào nhập khẩu từ các nước thu nhập cao phục hồi trở lại và tăng đầu tư trong vùng.

Tăng trưởng của Ấn Độ dự tính sẽ vượt mức 6% trong năm tài chính 2014-15, và đạt mức 7,1% trong năm tài chính 2016-2017.

Tại khu vực Hạ Saharan, kinh tế đã tăng trưởng năm 2013 do đầu tư mạnh dựa trên tài nguyên. Tăng trưởng GDP thực tế toàn khu vực đạt mức 4,7%. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình, không kể Nam Phi, đạt 6,0%. Các nước xuất khẩu dầu (Angola, Gabon, Nigeria) phục hồi kém trong nửa đầu năm 2013; trong khi đó sản lượng công nghiệp của Nam Phi giảm trong quý 3.

Cầu nội địa mạnh, dòng vốn FDI tương đối ổn định và tỷ lệ lạm phát giảm sẽ giúp khu vực này đạt mức tăng trưởng khoảng 5,3% năm 2014, 5,4% năm 2015 và 5,55 năm 2016./.