Ông Kim Gil-hong, Giám đốc Ban Hạ tầng Bền vững thuộc Tổng Vụ Phát triển Khu vực và Bền vững của ADB, phát biểu: “Các đô thị trong khu vực đang trải qua thời kỳ bùng nổ dân số chưa từng có từ trước đến nay và những người dân nghèo nhất tại đó đang phải đối mặt ngày càng nhiều những trận lụt nặng nề, mực nước biển dâng cao và những thảm họa khác có liên quan đến biến đổi khí hậu. Sáng kiến đối tác này sẽ đưa quỹ tư nhân, tổ chức hợp tác song phương và ADB, một ngân hàng phát triển đa phương, cùng phối hợp để thúc đẩy và tăng cường các giải pháp nhằm bảo vệ những người trong cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở các đô thị trên thế giới.”

ADB cùng 2 đối tác đã đồng ý triển khai một chương trình mới mang tên “Quản lý Những rủi ro Khí hậu đối với Người nghèo ở Đô thị” nhằm giúp 25 đô thị cấp 2 trong khu vực đối chọi lại những tác động của biến đổi khí hậu với trọng tâm hướng đến những người chịu thiệt thòi. Sáu quốc gia đầu tiên được lựa chọn để đưa vào chương trình là Băng-la-đét, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippin và Việt Nam. Tất cả các quốc gia này đều có nhiều người nghèo sống ở khu vực đô thị.

Vốn tài trợ sẽ đến từ một quỹ mới có tên là “Quỹ Tín thác Đối phó với biến đổi khí hậu ở đô thị” do ADB quản lý. Một bản ghi nhớ đã được ký với Bộ Phát triển Quốc tế của Vương quốc Anh (DFID), theo đó DFID sẽ cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại ban đầu cho quỹ tương đương 130 triệu USD, đồng thời Quỹ Rockefeller sẽ cung cấp 5 triệu USD.

Khoảng 55% trong tổng số hơn 3,7 tỷ người dân Châu Á dự kiến sẽ sống ở khu vực đô thị vào năm 2030 và những đô thị cấp 2, nơi đang có tốc độ tăng dân số cao nhất, cũng là những nơi ít chuẩn bị nhất để đối phó với những thách thức khí hậu mới. Những nhóm người có thu nhập thấp, vốn thường sống trong những khu nhà tạm bợ, thiếu dịch vụ tại những khu vực có nguy cơ cao dọc bờ sông hoặc sát biển, là những người dễ gặp rủi ro nhất.

Chương trình này chọn một hướng đi mới cho công tác phòng chống biến đổi khí hậu ở đô thị, áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn so với các biện pháp riêng lẻ mang tính chất đối phó trong quá khứ. Chương trình sẽ hỗ trợ các hoạt động được kết nối với nhau, bao gồm hỗ trợ đưa các tính toán về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu và các biện pháp đối phó vào quy hoạch của thành phố. Chương trình cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị cho các dự án cơ sở hạ tầng phòng chống tác động của biến đổi khí hậu đem lại lợi ích cho người nghèo. Chương trình còn cấp vốn cho các hoạt động nghiên cứu và thu thập kiến thức để trao đổi kinh nghiệm và những bài học tốt nhất đối phó với biến đổi khí hậu.

Những nhóm người nghèo và dễ chịu tác động sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định đầu tư và xây dựng quy hoạch, cùng với những tổ chức nhà nước và tư nhân có liên quan khác. Các dự án hạ tầng sẽ được thiết kế để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư từ khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như có tiềm năng để nhân rộng.

Các mục tiêu của chương trình bao gồm triển khai 25 dự án cơ sở hạ tầng và các biện pháp đối phó khác để bảo vệ được khoảng 1 triệu người nghèo và 1 triệu người dễ chịu tác động khác tại những thành phố nằm trong khuôn khổ dự án vào năm 2018. Chương trình cũng hướng đến việc thu hút thêm khoảng 1 tỷ USD đầu tư từ các nguồn vốn chính phủ, nguồn vốn tư nhân và của chính quyền các đô thị./.

(Theo ADB)