Thỏa hiệp để hướng tới một Hiệp ước toàn cầu

Diễn ra chỉ ít ngày sau khi siêu bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay tàn phá nghiêm trọng miền Trung Philippines, Hội nghị lần này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần phải hành động để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần này đã tránh được đổ vỡ vào “phút chót”, khi các đoàn đại biểu đạt được một thỏa thuận vừa phải, mở đường cho một Hiệp ước toàn cầu mới vào năm 2015 nhằm chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên.

Theo đó, Hội nghị đạt được nhất trí rằng tất cả các nước, chứ không riêng những nước giàu, sẽ có “những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2. Các nước phải đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải của mình vào quý 1 năm 2015 để chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm đó tại Hội nghị ở Paris, Pháp.

Thỏa thuận này sẽ là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại ra bầu khí quyển. Bên cạnh đó, Hội nghị lần này nhất trí thiết lập một cơ chế giúp các nước dễ bị tổn hại vì những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Một giải pháp cụ thể mà Hội nghị lần này đạt được là thỏa thuận về các quy tắc bảo vệ và duy trì các khu rừng nhiệt đới - lá phổi của tự nhiên.

Trong suốt thời gian đàm phán, các nước đang phát triển và phát triển luôn bất đồng sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải, cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, các nước phát triển đã không đưa ra cam kết nào về việc viện trợ cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ và nhiều nước phát triển cũng từ chối thông báo kế hoạch làm thế nào để tăng số tiền viện trợ cho các nước đang phát triển, mà họ đã cam kết, lên mức 100 tỷ USD/năm vào năm 2020.

Ngoài ra, không có nước phát triển nào đưa ra hành động mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải, thậm chí Nhật Bản còn hạ thấp mục tiêu cắt giảm khí thài vào năm 2020 với lý do họ phải đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân, nên phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Như vậy, những gì đạt được tại Hội nghị lần này có thể được xem là kết quả làm “hài lòng” những nước giàu, và đó là sự nhượng bộ của các nước đang phát triển, khi họ từ bỏ yêu cầu là chỉ các nước phát triển mới phải đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải.

Việt Nam cam kết chung tay chống biến đổi khí hậu

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, từ ngày đầu tiên của Hội nghị, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động liên quan. Phát biểu tại phiên khai mạc, đại diện đoàn Việt Nam đã cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân các nước đang chịu hậu quả của cơn bão Haiyan.

Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, tham gia Hội nghị lần này, đoàn Việt Nam mong muốn đạt được ba mục tiêu. Thứ nhất là tiếp tục khẳng định các cố gắng ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng yêu cầu các nước cũng phải thực hiện tương xứng.

Bên cạnh đó, về việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý toàn càu mới, dự kiến xong trong năm 2015 và áp dụng cho tất cả các nước từ năm 2020, Việt Nam đề xuất Khuôn khổ này phải đảm bảo nguyên tắc mỗi quốc gia phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ khí hậu trái đất, đặc biệt là đối với việc xác định mức độ phát thải khí nhà kính. Theo đó, cần phải có cơ chế tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để hỗ trợ các nước đang phát triển và chậm phát triển ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà nguyên nhân là do sự phát thải quá mức từ các nước nước phát triển gây ra. Việt Nam cũng đề xuất xây dựng lộ trình cụ thể để cuối năm 2014, hoàn thành dự thảo Khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới.

Về mặt tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, các nước đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển vào năm 2020, tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, mỗi năm phải huy động được bao nhiêu, từ nguồn vốn nào cũng cần làm rõ tại COP 19.

Mặt khác, quan điểm của Việt Nam là xây dựng các quy định cụ thể để đưa các thể chế như Quỹ Khí hậu xanh, Ủy ban Thích ứng, Ủy ban Công nghệ, Các Trung tâm và Mạng lưới Công nghệ biến đổi khí hậu... đi vào hoạt động.

Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự và trình bày tham luận tại các hội thảo bên lề Hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với công tác đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang triển khai./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/Hoi-nghi-COP-19-Viet-Nam-keu-goi-thuc-day-cac-no-luc-bao-ve-trai-dat/89835.vtv

http://vov.vn/The-gioi/COP-19-Thoa-hiep-de-huong-toi-mot-Hiep-uoc-toan-cau/293758.vov

http://occa.mard.gov.vn/Content/Cac-hoat-dong-cua-doan-dai-bieu-Viet-Nam-tai-Hoi-nghi-lien-hiep-quoc-ve-bien-doi-khi-hau-lan-thu-19-COP-19-tai-Vac-sa-va-Ba-Lan-/2013/11/19/32030.news