Cứng rắn với Trung Quốc

Ông Peter Navarro, chuyên gia kinh tế duy nhất trong số các cố vấn của ông Trump (những người còn lại đều là doanh nhân) cho rằng chính Trung Quốc là thủ phạm hủy hoại ngành sản xuất của Mỹ và sự mất cân bằng cán cân thương mại là nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu gặp trục trặc. Ông Navarro cũng cho rằng việc nhiều nước kiểm soát và điều chỉnh tỷ giá cũng khiến cho tự do thương mại trở thành yếu tố tiêu cực với kinh tế Mỹ.

Đồng ý với quan điểm này, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi các hiệp định khí hậu và môi trường mà Mỹ ký với Trung Quốc, đồng thời giải quyết vấn đề kiểm soát tỷ giá của Trung Quốc.

Tỷ phú Trump cũng dọa sẽ đưa vấn đề kiểm soát tỷ giá và thiên vị trong cạnh tranh thương mại lên tòa án tại Mỹ cũng như lên WTO để phân giải. Ông Trump còn định dùng quyền tổng thống để áp đặt thuế đơn phương lên hàng hóa Trung Quốc. Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Trump đã chỉ trích việc mở cửa thương mại với Trung Quốc khiến hàng hóa tràn vào Mỹ, gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp cũng như người lao động. Do đó, vị ứng cử viên mới đắc cử này còn tuyên bố sẽ đánh thuế tới 45% cho các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc nước Mỹ có một nhà lãnh đạo cứng rắn là một thông tin không thực sự tốt với Trung Quốc khi nước này đang gặp phải nhiều vấn đề. Chính quyền Bắc Kinh đang phải đối phó với sự xì hơi của bong bóng bất động sản nhưng cũng phải ngăn chặn tỷ lệ nợ xấu. Ngoài ra, Trung Quốc đang cố gắng tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời gia tăng sự đầu tư hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân.

Tác động ngược

Ngược lại, những chính sách của tân Tổng thống Donald Trump sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ cũng như tạo nên các động thái trả đũa từ châu Á, đồng thời phá hủy hệ thống sản xuất tại khu vực này, vốn đã được tăng cường nhờ tự do thương mại. Ngân hàng CBA dự đoán xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm khoảng 25% trong năm đầu tiên nếu Mỹ áp mức thuế như ông Trump cam kết.

Hơn nữa, tân Tổng thống Donald Trump cũng đối mặt với nhiều nguy cơ từ Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 diễn ra vào thời điểm kinh tế Trung Quốc đạt đỉnh với mức thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ và nó góp phần vào việc gây ra khủng hoảng cho kinh tế Mỹ. Còn ở thời điểm hiện tại, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và nguy cơ rơi vào khủng hoảng đang tăng lên, điều này cũng có thể khiến kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng như cách đây 9 năm.

Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tài chính và tỷ giá. Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm từ mức hơn 10% GDP vào thời điểm năm 2007 xuống còn khoảng 2,5% vào năm 2016. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đang ngày càng phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối nhiều hơn để chống đỡ tỷ giá cho đồng Nhân dân tệ vốn đang chạm đáy trong vòng 6 năm qua.

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2016, PBOC đã phải bơm ra 45,7 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối để ngăn đồng Nhân dân tệ giảm sâu hơn. Trong vòng 4 tháng gần nhất, số tiền mà Trung Quốc lấy ra từ quỹ dự trữ để ổn định giá đồng nội tệ đã lên tới khoảng gần 80 tỷ USD.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá đồng USD khi Trung Quốc cứ tiếp tục bán ra đồng bạc xanh để chống đỡ cho đồng Nhân dân tệ của mình. Việc tân Tổng thống Donald Trump dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu không cải thiện vấn đề tỷ giá, thậm chí có thể sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng thêm.

Ở quy mô lớn hơn, nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng trong vòng 4 năm tới, thì kinh tế Mỹ có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mức độ quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên đang rất lớn khi Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ khi dư nợ tín dụng hiện đã ở mức 250% GDP, cứ tiếp tục với mức tăng trưởng hiện nay thì nó có thể tăng lên 300% GDP vào thời điểm năm 2021. Nếu kịch bản này xảy ra, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải phá giá đồng Nhân dân tệ tương tự như Mỹ năm 2008 đã làm với đồng USD, và điều này sẽ khiến cho kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hiện tại, dù kinh tế Trung Quốc đã không còn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu như trước, khi tỷ trọng xuất khẩu ròng trên GDP đã giảm xuống chỉ còn 2,7% trong năm 2014 so với mức 8,7% năm 2007, thì các biện pháp cứng rắn với lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc của ông Trump sau khi nhậm chức như đã hứa hẹn có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Như vậy, nếu không muốn kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, thì tân Tổng thống Trump sẽ không thể quá cứng rắn với Trung Quốc, đồng thời phải lên kịch bản ứng phó trong trường hợp kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-cho-doi-gi-tu-trump-664837.html

http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/mon-qua-cua-trung-quoc-cho-tan-tong-thong-donald-trump-47197.html

https://www.bloomberg.com/view/articles/2016-11-06/china-s-unwelcome-gift-for-the-new-president