Vấn đề này đã trở thành vấn đề nóng được nhiều học giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bình luận tại Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Quỹ Kinh tế Nhật Bản (JEF) phối hợp tổ chức vào chiều 24/11.

Ai sẽ là đầu tàu?

Tại diễn đàn, GS. Zhang Yunling, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, chỉ số toàn cầu hóa đang giảm, tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn tăng GDP, quá trình đa phương hóa trì trệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Đây là xu hướng tạm thời do quá trình tái cơ cấu nguồn lực tăng trưởng. Tuy nhiên, bản thân nó cũng tạo ra những xung đột lợi ích thương mại giữa các quốc gia khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các nền sản xuất quay trở lại quê hương và mức lương thấp không còn là nhân tố dẫn dắt FDI nữa. Cuộc cách mạng lần thứ 4 sẽ khiến toàn cầu hóa bước sang trang mới và phân chia xã hội ngày càng lớn.

Hiện, các quan điểm chống lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc trì hoãn đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc (CJK) và sự thiếu đồng thuận trong thực thi các hiệp định thương mại tự do cho thấy, các hiệp định hiệp định thương mại tự do hướng tới tự do hóa thương mại đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự kiện Brexit của Anh bắt nguồn cho câu chuyện dân tộc chủ nghĩa trong tư duy phát triển... Chính vì thế, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi liệu TPP, EU có phải là mẫu hình tốt cho hội nhập?

Còn đối với Trung Quốc, giáo sư Zhang Yunling khẳng định, các đề xuất về lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB)... là cách tiếp cận mới nhằm phát triển hạ tầng và tạo động lực tăng trưởng.

Toàn cảnh diễn đàn

Trái ngược với quan điểm này, GS. Yukiko Fukagawa, Đại học Waseda Nhật Bản cho rằng, dù thương mại toàn cầu đang giảm 12,7% theo giá danh nghĩa và 1,3% theo giá thực tế; cầu và đầu tư yếu hơn, giá hàng hóa quốc tế phục hồi chậm và chủ nghĩa bảo hộ nhiều nước lớn gia tăng, thì Trung Quốc hiện chưa thể dẫn dắt nền kinh tế các nước châu Á - Thái Bình Dương khi TPP đổ vỡ hay trước tư duy kinh tế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Yukiko nhấn mạnh: “Không có khả năng Mỹ, Nhật Bản và EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, bởi chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa và xuất khẩu đang là thách thức của nước này”.

“Ngoài ra, Trung Quốc còn gặp phải các vấn đề như ngành thép đang khó khăn, tốc độ tái cơ cấu chậm, thuế chống bán phá giá hàng Trung Quốc tại Mỹ và EU và việc phản ứng của Trung Quốc đối với các cơ chế WTO đang đe dọa vai trò, vị thế dắt dắt toàn cầu của Trung Quốc”, bà Yukiko nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, người lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai là toàn bộ các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chứ không hẳn là Trung Quốc.

Cần phát huy nội lực

GS. Kazumasa, Chủ tịch Quỹ Giao lưu Kinh tế quốc tế Nhật Bản khẳng định: “Cho dù mỗi nước thích hay không thích thì toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra, nó đòi hỏi phải có một thỏa thuận mới. Việc TPP có khả năng không được thông qua tại Mỹ, đây có thể là bước ngoặt của kinh tế thế giới, nơi cái cũ và cái mới đan xen nhau, đấu tranh nhau và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nó sẽ thúc đẩy sự liên kết ngày càng lớn khi tư duy nhân tạo được vận dụng tối đa”.

Dĩ nhiên, điều quan trọng là phải hành động, tránh ngầm định rằng khi ông Trump trở thành tổng thống sẽ thực hiện những cam kết tranh cử tới thương mại và đầu tư. Tất cả các quốc gia trong khu vực cần cẩn trong cân nhắc khả năng trao đổi lại một cách công khai và trực tiếp tới bộ máy của ông Trump, cả trước và sau khi ông nhậm chức. Môi trường thuận lợi nhất cho khu vực là một môi trường thúc đẩy ổn định chiến lược, mở cửa các xã hội và nền kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư, và cuối cùng là hội nhập kinh tế.

Các chuyên gia đề xuất, ở trong nước, mỗi quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cần cân nhắc cam kết thực hiện cải cách cơ cấu và cải cách kinh tế vi mô, tinh giản các thủ tục, xóa bỏ các thủ tục không cần thiết nhằm hỗ trợ năng suất, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư, cũng như hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, tìm ra những giải pháp hữu ích để giao tiếp một cách hiệu quả và thuyết phục tới các nhóm xã hội và các ngành công nghiệp tại những quốc gia, những đối tượng cảm thấy bị bỏ rơi, hoặc trong tình trạng bất lợi do toàn cầu hóa và tự do hóa./.