G20 kêu gọi tăng trưởng toàn diện, nói "không" với chủ nghĩa bảo hộ

Ngày 20/1, tại Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos của Thụy Sĩ, bộ trưởng các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi các nước tiếp tục hướng tới mục tiêu thương mại tự do và tăng trưởng toàn diện, cũng như bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ.

Chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành mối quan ngại ngày càng lớn trong cộng đồng thương mại thế giới sau khi Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), cũng như tương lai không chắc chắn về chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Chủ tịch Schauble cho rằng, để các nền kinh tế có thể ổn định sau sự kiện Brexit, hướng đi duy nhất là đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và bền vững. Chủ tịch G20, kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng, G20 nên tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện như một phần của thương mại tự do. Theo ông, tăng trưởng toàn diện tạo cơ hội cho mọi tầng lớp người dân, cũng như chia đều lợi ích từ sự thịnh vượng chung.

Fed để ngỏ khả năng chậm tăng lãi suất

Phát biểu ngày 19/1 tại Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Stanford, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho rằng thể chế này nên tiếp tục nâng lãi suất một cách chậm rãi và sẽ không khôn ngoan khi để cho nền kinh tế liên tục phát triển “nóng”.

Phát biểu trên của người đứng đầu Fed được xem là có phần thận trọng hơn bài phát biểu ngày 18/1, khi bà cho rằng việc chờ đợi quá lâu mới thực hiện nâng lãi suất có thể dẫn tới sự bất ổn về lạm phát và tài chính.

Tháng 12/2016, Fed đã nâng mục tiêu lãi suất ngắn hạn lần thứ hai trong 10 năm qua, đồng thới phát đi tín hiệu cho những đợt nâng lãi suất tiếp theo trong năm nay.

Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,7%, gần mức mà nhiều chuyên gia kể cả bà Yellen cho là mức bền vững trong dài hạn và tỷ lệ lạm phát tiến gần đến mức mục tiêu 2%, phần lớn các quan chức Fed kỳ vọng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất thêm ba lần nữa trong năm nay.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2016 thấp nhất 26 năm qua

Theo số liệu do Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 20/1, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2016 đạt 6,7%, giảm so với con số 6,9% trong năm 2015. Đây là mức thấp nhất trong vòng 26 năm trở lại, song vẫn đạt mục tiêu mà chính phủ nước này đặt ra là từ 6,5%-7%.

NBS cho biết, tăng trưởng GDP trong quý 4 năm ngoái đạt 6,8%, cao hơn dự báo, chủ yếu là nhờ chính phủ tăng mạnh chi tiêu công và các ngân hàng tăng cường cho vay ở mức kỷ lục. Các yếu tố này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng nợ trong năm tới.

Các số liệu thống kê cho thấy, sản lượng công nghiệp tăng 6% trong năm 2016, chủ yếu nhờ thành quả trong ngành công nghệ cao. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 9,6%, đầu tư vào tài sản cố định cũng tăng 8,1%, thấp hơn dự báo và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1999.

Nhật Bản chính thức thông qua TPP

Ngày 20/1, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoàn thành thủ tục trong nước cuối cùng cần thiết đối với Nhật Bản trong tiến trình thông qua hiệp định này.

TPP có lẽ sẽ không được thực hiện đầy đủ khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức đã ký thông cáo tuyên bố rút lui khỏi hiệp định. Mặc dù vậy, ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục vận động Mỹ về TPP trong chuyến công du hồi tuần trước đến các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các nước tham gia ký kết TPP là Australia và Việt Nam.

Ngân hàng Trung ương châu Âu duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục

Trong cuộc họp đầu tiên của năm 2017, ngày 19/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và không thay đổi chương trình mua trái phiếu lớn.

Theo người phát ngôn của ECB, Hội đồng quản trị ECB đã bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức 0% và lãi suất cho vay ở mức 0,25%.

ECB cũng duy trì kế hoạch mua tài sản được coi là một chương trình nới lỏng định lượng (QE), sau khi vừa mới thông báo ra hạn chương trình này hồi tháng 12 năm ngoái. Đây là những nỗ lực chưa từng thấy của ECB để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát./.