Trung Quốc: Thương mại bất ngờ giảm mạnh

Số liệu mới nhất cho thấy xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2013 đã bất ngờ giảm mạnh, hé lộ những điểm yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và dấy lên viễn cảnh suy thoái nặng nề hơn trong những tháng tới.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đã giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm bất ngời giới phân tích khi trước đó được kỳ vọng sẽ tăng 4%, nhất là khi so sánh với mức tăng 1% trong tháng 5 và mức tăng bình quân 10,4% trong quý 1/2013.

Diễn biến này cho thấy, nhu cầu trên thị trường quốc tế về hàng hóa từ Trung Quốc đang giảm mạnh, đặc biệt là nhu cầu tư Mỹ và Châu Âu, hai thị trường lớn, nhưng cũng đang phải đối phó với những nguy cơ khủng hoảng tài chính kinh tế suốt vài năm qua.
Về xuất khẩu, tháng 6 chứng kiến giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp nối mức giảm 0,1% của tháng 5 trước đó. Mặc dù tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu bình quân quý 1/2013 đạt 6,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thực tế diễn biến nhập khẩu gần đây cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc cũng đang có xu hướng đi xuống.
Xu hướng giảm nhu cầu hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế và nhu cầu nội địa của nước này có thể được nhìn nhận trực quan hơn khi so sánh kim ngạch thương mại theo tháng, với xuất khẩu giảm 4,6% và nhập khẩu giảm những 9,3%.

Rõ ràng, Trung Quốc đang gặp những thách thức lớn trong hoạt động thương mại.
Đâu là sự thật?
Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh mang lại những dấu hiệu khởi sắc về nhu cầu hàng hóa quốc tế. Thế nhưng, đó có thể là vấn đề về dữ liệu báo cáo. Bởi, trong cùng thời điểm, các nước trong khu vực lại có những số liệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm.

Có một cách giải thích khác cho sự giảm sút đáng kể thương mại của Trung Quốc đến từ sự can thiệp của chính phủ trong việc ngăn chặn các dòng vốn đầu tư ngầm. Để vượt qua những rào cản ngăn các dòng tiền chảy vào hoặc ra khỏi nước này, giới thương nhân có thể đã khai khống giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của họ, một hoạt động được gọi là thương mại giả tạo/trá hình (fake trade).
Tờ Moneynews, trong bài phân tích về tình trạng này của Trung Quốc đã mô tả như sau: “Giả sử một người muốn đổ 25 triệu USD đầu tư vào các tài sản của chủ sở hữu tại Trung Quốc, có cách nào để họ mang tiền qua biên giới mà chẳng tốn mấy giấy mực? Thực tế, họ có thể thực hiện ký một hợp đồng “nhập khẩu” pháo hoa với một thương nhân ở Trung Quốc với tổng trị giá 30 triệu USD, người “xuất khẩu” sau đó gửi hóa đơn pháo hoa cho thương nhân nước ngoài, họ nhận được 5 triệu USD do công dàn xếp. 25 triệu USD còn lại sẽ được chuyển tới người chủ thực sự người nước ngoài này muốn chuyển tới.”

Giới phân tích nhận định rằng, thị trường bất động sản Trung Quốc đang hình thành bong bóng và rất có thể sẽ phát nổ nếu tình hình không được cải thiện nay mai. Mỗi năm Trung Quốc lại có thêm những thành phố “ma”, những tòa nhà trống, trong khi rât nhiều người không đủ khả năng tài chính để mua ở nhà. Rất có thể hoạt động thương mại trá hình, như mô tả ở trên, thực chất là đầu tư vào thị trường nhà đất.
Hoạt động thương mại trá hình như mô tả này chắc chắn đã diễn ra ở Trung Quốc, điều không chắc chắn là giá trị thực của nó là bao nhiêu. Thực tế này phản ánh một điều nghiêm trọng hơn, đó là rất có thể kim ngạch thương mại của Trung Quốc được báo cáo tăng cao trong quý 1/2013 chỉ là ảo, và tương tự với số liệu trước đó nữa.

Như vậy, nhu cầu trên thị trường quốc tế có thể đã có xu hướng giảm xuống trong nhiều tháng nay, chứ không phải từ tháng 6 vừa qua. Vô hình trung, số liệu xuất - nhập khẩu của Trung Quốc đã phản ánh sai lệch nhu cầu hàng hóa toàn cầu, cũng như của chính nước này. Điều này có thể dẫn tới một hệ lụy khôn lường không chỉ với Trung Quốc, mà còn với nhiều nước, đặc biệt những nước có nền kinh tế hướng xuất khẩu.
Ở một góc nhìn khác, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng xuất hiện những dấu hiệu đình trệ. Những năm 2000, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc có mức tăng hàng năm bình quân 22%, thì nay con số này chỉ còn dưới 10%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của một nước phụ thuộc vào nhu cầu hàng hóa trên thị trường quốc tế và nhu cầu nội địa.

Sụt giảm tăng trưởng sản xuất công nghiệp góp phần giải thích xu hướng sụt giảm nhu cầu quốc tế về hoàng hóa Trung Quốc và nhu cầu nội địa của nước này. Và, do sản xuất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ảo, nên dư thừa sản xuất công nghiệp cũng đang hiện hữu tại Trung Quốc hiện nay./.

Tổng hợp và dịch từ các nguồn

http://www.moneynews.com/PatrickWatson/China-fake-invoicing-export/2013/06/12/id/509446
http://www.bbc.co.uk/news/business-23251089