Những tín hiệu lạc quan

Tại cuộc gặp với đại diện giới doanh nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Nga diễn ra tại Sochi hôm 27/2 mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nhìn nhận rất lạc quan về nền kinh tế Nga, khẳng định năm 2017 sẽ tăng trưởng ổn định.

Theo ông Medvedev, nhìn chung tình hình kinh tế vĩ mô của Nga đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng, những chỉ số chính đang ở trong tình trạng khả quan. Thực tế, GDP của nước Nga đã phục hồi với tốc độ nhanh hơn kỳ vọng. Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo GDP của nước này sẽ tăng 2% trong năm 2017, với mức giá dầu cao như hiện nay. Lạm phát giảm xuống mức kỷ lục, ở mức 5,4% năm 2016 và dự báo xuống còn 5% trong năm nay.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev

Tháng 1/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ của Nga tăng lên 68,3 - mức cao nhất từ năm 2008. Trong lĩnh vực chế tạo, tốc độ tăng trưởng đã đạt mức cao nhất trong vòng 70 tháng qua.

Sự trở lại của nền kinh tế Nga được cho là không nằm ngoài các dự đoán tăng trưởng của nước này. Bên cạnh nỗ lực cứu giá dầu, Nga còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài nước đầu tư bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế. Những chính sách ưu đãi doanh nghiệp tại Nga trong thời buổi kinh tế khó khăn đã khiến nhiều công ty nước ngoài tìm cách "lách luật" để được đầu tư ở Nga với mục đích vừa kiếm tiền, vừa nâng đỡ nền kinh tế Nga khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ cấm vận.

Sau khi bị cấm vận, Nga đã trở thành thị trường béo bở cho các doanh nghiệp Mỹ nhờ cách nhượng quyền thương mại. Đơn cử như McDonald's - hãng cung cấp thức ăn nhanh này đã mở 73 cửa hàng mới ở Nga trong năm 2016 và sẽ mở tiếp 50 cửa hàng nữa trong năm 2017.

Hãng ô tô lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM) hiện cũng đang tìm cách để trở lại thị trường Nga sau khi thoái lui hồi năm 2014 bằng việc đóng cửa nhà máy St. Petersburg. Sau khi buộc phải tái cơ cấu đầu tư về Mỹ, GM quyết định sẽ trở lại thị trường Nga dưới danh nghĩa một công ty con ở Uzbekistan.

Không chỉ có doanh nghiệp Mỹ, hàng loạt các doanh nghiệp Đức cũng đã tìm được đường đầu tư vào Nga. Dựa theo số liệu thống kê của ngân hàng Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức), đầu tư từ các doanh nhân Đức đã đạt mức kỷ lục vào Nga và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

… nhờ quyết sách đúng đắn

Trong suốt 3 năm qua, nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và tư duy thời Chiến tranh Lạnh. Đúng lúc đó, dầu khí - nguồn thu lớn cho ngân sách của Nga lại mất giá thê thảm. Tất cả những điều này đã đẩy nền kinh tế Nga vào khủng hoảng: đồng tiền mất giá, đầu tư sụt giảm, thất nghiệp tràn lan... Phương Tây hy vọng với các biện pháp của mình sẽ khiến người dân Nga rơi vào cảnh khốn cùng, rồi từ đó sẽ quay sang đổ lỗi cho lãnh đạo, thậm chí tìm cách lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, có một điều lạ là các nước phương Tây càng cấm vận, thì uy tín của Tổng thống Putin càng tăng. Và sự kỳ vọng của người dân Nga hoàn toàn đặt đúng người.

Bị phương Tây đóng cửa giao thương, không làm ăn với Nga, chính quyền Tổng thống Putin, một mặt cải cách và ổn định tình hình kinh tế trong nước mặt khác, bắt đầu quay sang các nước khác đang cần Nga. Cụ thể, Nga nhanh chóng thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong thời gian qua. Hiện, Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện hơn 60 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn trị giá hàng chục tỷ USD.

Còn nhớ năm ngoái, ngày 7/11/2016, phát biểu sau cuộc gặp tại St Peterburg với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nga Medvedev bày tỏ hài lòng về hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc, với kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đã đạt trên 40 tỷ USD. Đặc biệt tháng 6/2016, hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD với thời hạn 30 năm đã được ký giữa Tập đoàn Dầu khí Nga - Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - CNPC dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm cấp nhà nước của của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngoài Trung Quốc, Nga còn tăng cường hợp tác và trao đổi thương mại với các nước châu Á khác. Hôm 15/12/2016, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm tới Nhật Bản nhằm tìm lối thoát cho những vấn đề lịch sử liên quan tới tranh chấp chủ quyền. Kết thúc cuộc gặp, hai bên đồng ý gác lại những tranh cãi chủ quyền để tập trung cho hợp tác kinh tế... Bên cạnh đó, Nga cũng đẩy mạnh giao thương với các nước Mỹ Latinh nằm trong khối BRICS, hay với những nước vốn là đồng minh của phương Tây, như: Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập...

Thành quả ngoạn mục nhất là vào tháng 11 năm ngoái, với sự dàn xếp của Tổng thống Putin, mâu thuẫn giữa Iran và Arab Saudi đã được dàn xếp, dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Quyết định này ngay lập tức đẩy giá dầu tăng mạnh và có chiều hướng bền vững trong năm tới.

Một thuận lợi lớn khác với Nga là hàng loạt lãnh đạo phương Tây chống Nga mạnh mẽ đều đã lần lượt nghỉ, thay vào đó là lớp lãnh đạo thực tế, muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Nga thay vì đối chọi. Trong đó phải kể đến Tổng thống Donald Trump của nước Mỹ và ứng viên đầy tiềm năng François Fillon của Pháp...

Nhưng thành công quan trọng nhất với nước Nga có lẽ là vị thế trên trường quốc tế. Nếu như từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh vẫn áp đặt luật chơi đơn cực, thì việc Nga bảo vệ thành công đồng minh Syria trong mấy năm qua cho thấy trật tự này đã bị đảo lộn. Với những chiến thắng đầu tiên của quân đội Nga trước các lực lượng khủng bố ở Syria, hàng loạt quốc gia Trung Đông khác đã lên tiếng nhờ vả Nga can thiệp đánh đuổi khủng bố. Các nước như Iraq, vốn được Mỹ giúp cả chục năm nay nhưng không hiệu quả, đã công khai mời Nga đưa quân vào.

Hướng tới mục tiêu “nền kinh tế cởi mở và thông minh”

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, nước Nga trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về kinh tế, xã hội. Bloomberg dẫn lời bà Tatyana Golikova, người đứng đầu Viện Kiểm toán Liên bang Nga cho biết, Nga sẽ sớm đối mặt với các vấn đề kinh tế lớn bởi quỹ bình ổn quốc gia sẽ cạn kiệt trong năm 2017.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng, vấn đề lớn nhất mà Nga đang phải đối mặt là tình trạng tham nhũng tràn lan. Trong năm nay, Tổng thống Putin có thể sẽ bắt đầu các chiến dịch chống tham nhũng công khai hơn, thậm chí là nhằm vào cả những nhân vật trong nội các của Ông. Điện Kremlin đã bày tỏ dấu hiệu rằng, họ rất nghiêm túc trong việc bài trừ tệ nạn tham nhũng của giới quan chức sau vụ bắt giữ Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev vì bê bối hối lộ mới đây.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ chính trong kế hoạch hành động tổng thể của Chính phủ Nga giai đoạn 2017-2025 là bảo đảm sự ổn định quá trình phát triển kinh tế vĩ mô, hệ thống thuế và những quy định đầu tư, kinh doanh rõ ràng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nga sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực việc làm, với mục tiêu nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Medvedev cho rằng, Nga cần phải trở thành nền kinh tế cởi mở và thông minh dựa vào tiềm năng trí thức của dân tộc, những thành tựu khoa học và công nghệ. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, trước hết phải ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" ra khỏi Nga.

Theo ông Medvedev, việc đánh mất những nhà khoa học và chuyên gia tài năng, Nga không chỉ đánh mất thời gian và tiền bạc chi cho việc đào tạo mà còn cả vị trí cạnh tranh trong tương lai. Bên cạnh đó, Chỉ phủ phải tạo ra được môi trường bền vững để phát triển kinh doanh, bảo đảm việc làm và đặc biệt chú ý tới với phát triển tiềm năng trí thức./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Quocte/Kinh-te-Nga-buoc-sang-giai-doan-tang-truong/299639.vgp

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-bat-ngo-cong-bo-kinh-te-tang-truong-vuot-trung-phat-3330089/

https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-14/budget-ordeal-has-a-fix-if-russia-can-at-least-do-this-one-thing

https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-09-21/-lost-trillions-haunt-russian-budget-keeper-in-era-of-cheap-oil

http://theduran.com/russian-pm-medvedev-russias-economy-growing-stably/