Bộ Tài chính Mỹ siết trừng phạt ngân hàng và công ty năng lượng Nga

Ngày 29/9, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp siết chặt trừng phạt tài chính nhằm vào các ngân hàng và các công ty năng lượng của Nga với lý do Moskva tiếp tục can thiệp vào Ukraine.

Trong một động thái nhằm gây khó khăn cho các thể chế tài chính và các công ty dầu khí hàng đầu của Nga trong việc huy động vốn dài hạn, Bộ Tài chính Mỹ quyết định cắt giảm thời hạn phát hành trái phiếu do các công ty mà các cá nhân và tổ chức ở Mỹ được phép giao dịch ban hành.

Đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác của Nga nằm trong danh sách trừng phạt, sau ngày 28/11, chỉ có các khoản nợ không quá 14 ngày được phép giao dịch, thay vì 30 ngày như trước đây. Đối với các công ty dầu khí trong danh sách trừng phạt, kỳ hạn nợ mới bị cắt giảm từ 90 ngày như trước đây xuống còn 60 ngày.

NAFTA đạt thỏa thuận cuối cùng về vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngày 27/9, vòng ba tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã chính thức khép lại sau năm ngày thảo luận ở thủ đô Ottawa của Canada với việc các bên đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực thông qua việc hợp nhất các văn bản đề xuất, thu hẹp khoảng cách và nhất trí với các yếu tố của văn bản dự thảo NAFTA mới.

Tuyên bố chung sau hội nghị cho biết ba nước đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong phiên bản NAFTA mới, đồng thời đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực như viễn thông, chính sách cạnh tranh, thương mại kỹ thuật số, hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Ngoài ra, các bên cũng đã trao đổi những quan điểm bước đầu về tiếp cận thị trường trong mua sắm chính phủ, vấn đề năng lượng và quyền của người bản địa.

Chính phủ Pháp công bố kế hoạch ngân sách quốc gia 2018

Ngày 27/9, Chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch ngân sách quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó đề cập một lộ trình thân thiện với thương mại nhằm phục hồi nền kinh tế.

Tổng thống Macron hiện đang chịu sức ép lớn trong việc cân bằng một loạt ưu tiên trong các chính sách cải cách của chính phủ, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng đạt 1,7% và "đảo chiều" tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với ở Anh và Đức.

Trong kế hoạch ngân sách 2018, Tổng thống Macron cam kết ngân sách năm 2018 sẽ tiết kiệm được 16 tỷ Euro (tương đương 19 tỷ USD) nhờ kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khóa tới, thấp hơn so với con số dự báo 2,9% trong năm 2017.

Kinh tế Nhật Bản tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 27/9 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tụt một bậc xuống vị trí thứ chín, trong khi một số nền kinh tế khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên hạng.

Đối với Nhật Bản, việc nước này bị tụt hạng một phần do khoản nợ công quá lớn, tình trạng giảm phát vẫn kéo dài và thị trường lao động thiếu linh hoạt, bất chấp việc chất lượng cơ sở vật chất và trình độ học vấn của lực lượng lao động tại quốc gia này đều ở mức cao.

Ngoài ra, theo báo cáo khảo sát 137 nền kinh tế toàn cầu của WEF, Thụy Sỹ, Mỹ và Singapore tiếp tục là ba quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, với Thụy Sỹ duy trì vị trí đầu bảng năm thứ chín liên tiếp./.