Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, muốn đi nhanh thì phải có sự khác biệt mới có thể cạnh tranh được

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia dự kiến sẽ được đặt ở Đồng bằng sông Hồng

Đại diện của công ty tư vấn BCG cho biết, trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo với tác động kinh tế rất lớn, với việc hình thành và tập trung các công ty công nghệ tỷ đô và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao điển hình như Trung Quân Thôn tại Bắc Kinh, Trung Quốc; Thành phố truyền thông số tại Seoul, Hàn Quốc hay CyberSpark tại Beer Sheva, Israel chuyên về An ninh mạng.

Điểm chung của các trung tâm này là việc tập trung các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong một hoặc một vài lĩnh vực được lựa chọn vào một môi trường phù hợp cho hệ sinh thái phát triển.

Điều tiên quyết là các trung tâm này phải là nơi có môi trường kinh doanh rất tốt và các chính sách cạnh tranh (với các trung tâm đổi mới sáng tạo tập trung vào cùng lĩnh vực ở cùng quốc gia hay ở quốc gia khác) để thu hút các công ty đến đặt trụ sở cũng như thu hút nhân tài đến làm việc.

Ngoài ra, trung tâm cần là nơi để các công ty với quy mô khác nhau có thể tiếp cận các nguồn lực cần thiết (như nhân tài, vốn hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng) cũng như tiếp cận với thị trường.

Trên cơ sở đó, đại diện của BCG đề xuất, tại Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia dự kiến sẽ được đặt ở Đồng bằng sông Hồng với quy mô kinh tế hiện đang chiếm hơn một phần tư GDP của cả nước và là nơi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho kinh tế Việt Nam khi đi đúng hướng.

Việc xác định lĩnh vực cần tập trung để đổi mới ở Đồng bằng sông Hồng dựa trên hai yếu tố: (1) Nền tảng kinh tế hiện có tại Đồng bằng sông Hồng (dựa trên một số ngành có sự cạnh tranh quốc tế và áp lực cần luôn đổi mới như sản xuất điện tử, ICT, truyền thông).

(2) Những xu hướng lớn ảnh hưởng đến môi trường kinh tế xã hội trong tương lai tại đây (như xu hướng đô thị hóa, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, sử dụng các phương tiện số ngày càng nhiều, mô hình sản xuất ngày càng được tự động hóa, và mức độ bị tấn công mạng ngày càng nguy hiểm).

Theo đó, có 4 lĩnh vực mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có thể lựa chọn tập trung vào.

Thứ nhất, Trung tâm có thể là hạt nhân đổi mới cho lĩnh vực sản xuất thông minh, tập trung đưa ứng dụng nhà máy thông minh và phát triển sản phẩm cho các nhà máy tương lai với hàm lượng tự động hóa ngày càng nhiều.

Thứ hai, Trung tâm có thể trở thành nơi thúc đẩy ứng dụng và phát triển sản phẩm/ dịch vụ cho các thành phố thông minh với môi trường bền vững. Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ không giới hạn ở việc quản lý đô thị, giao thông, … mà còn mở rộng ra việc phát triển và ứng dụng công nghệ môi trường với các mô hình kinh doanh sáng tạo.

Thứ ba, Trung tâm cũng có thể trở thành một tụ điểm mới thúc đẩy ngành truyền thông số đặc biệt là trò chơi điện tử kỹ thuật số (digital games) dựa trên thị trường nội địa có sẵn.

Thứ tư, Trung tâm có thể trở thành nơi phát triển các ứng dụng an ninh mạng cho cả các cơ quan chính phủ cũng như các công ty, doanh nghiệp hoặc sử dụng cho cá nhân.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia này sẽ là trung tâm đầu tiên và là một phần của mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được thiết lập trong tương lai trên khắp cả nước.

Mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể mà địa phương đặt trung tâm đó có lợi thế tương đối so với những địa điểm khác. Các trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ không chỉ là nơi thúc đẩy việc đưa công nghệ vào phát triển kinh tế mà còn sẽ trở thành nơi tạo ra những công nghệ mới của Việt Nam.

Phải là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đất nước sau 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, những kết quả vượt bậc cả về kinh tế và xã hội, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối diện nhiều thách thức trong giai đoạn sắp tới.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang thay đổi một cách căn bản các ngành nghề khác nhau và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng với đó, CMCN 4.0 cũng đem đến cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội có một không hai để vượt lên và đưa nền kinh tế phát triển theo hướng mới dựa trên khoa học, công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta đi sau, muốn đi nhanh thì phải có sự khác biệt mới có thể cạnh tranh được.

Vì thế, Đảng và Nhà nước đã xác định Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đưa đất nước lên tầm phát triển mới để bắt kịp các nước trong một số ngành hiện mình đang đi chậm hơn; đi cùng và vượt lên trong một số ngành khác mà quốc gia có lợi thế so sánh tương đối.

Để đảm bảo định hướng chính sách và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, mô hình NIC dự kiến đề xuất xây dựng bộ máy quản trị và điều hành theo hướng hợp tác công tư, có sự gắn kết chặt chẽ với Chính phủ, trong đó điều lệ hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tôn chỉ mục đích cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động và các ưu đãi đặc biệt. Hội đồng thành viên sẽ bao gồm đại diện của chủ đầu tư và của Chính phủ.

Dự kiến, quy mô của NIC dự kiến 23 ha trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Mặt bằng xây dựng: 90.000 m2 sàn. Vốn đầu tư: 1.900 tỷ đồng (khoảng 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ là vốn lưu động. Thực hiện trong 3 năm kể từ ngày khởi công 2019 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có thể cần một bước đệm trước khi chuyển ra Hòa Lạc như Bộ trưởng Dũng gợi ý

Cần mới và sáng tạo ngay từ khi cấp phép

“Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia phải có sự khác biệt, tránh sự trùng lắp với nhiều mô hình hiện có, nhưng lại có thể nhân rộng. Trước mắt, Trung tâm sẽ là “lõi” để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp nối ý của Bộ trưởng Dũng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ mục đích của NIC là công cụ cạnh tranh toàn cầu về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Vì thế, ông Cung cho rằng, cần tư duy mới, cần cách quản lý mới để phát triển công nghệ mới ở NIC.

Ông khẳng định, vì là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nên phải "mới", "sáng tạo" ngay từ khi cấp phép, xây dựng sản phẩm của Trung tâm này.

"Không thể để mang tiếng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phải đi xin cấp phép, xin đăng ký kinh doanh hoặc các sản phẩm của trung tâm thì cũng không cần phải có giấy phép kiểm định, kiểm nghiệm của ai hết", ông Cung nói.

Khẳng định một cách nhất quán từ đầu đến cuối trong bài trình bày của mình, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cơ chế, chính sách là chìa khóa của thành công; cơ chế đột phá mới tạo ra sự phát triển đột phá.

"Nếu đã vào đây rồi, thì nó là sản phẩm được xã hội hóa, đổi mới, sáng tạo và được xã hội thừa nhận. Nếu chúng ta bắt các ý tưởng, sản phẩm phải đăng ký thương hiệu, sáng chế hay giấy phép gì đó thì vô tình chúng ta áp những cái quy định cũ cho cái mới và nhiều khi Nhà nước không chạy theo được", ông Cung nhấn mạnh.

Cụ thể, NIC sẽ là một mô hình hoàn toàn mới, không phải là một viện hay một trường đại học mang dáng dấp nghiên cứu. Ngược lại nó sẽ là một doanh nghiệp xã hội, có 100% vốn tư nhân theo Luật doanh nghiệp 2014.

Nó có thể nhanh chóng đi vào hoạt động và tạo ra kết quả cho nền kinh tế. Lãnh đạo ở đây có thể hưởng các mức thù lao, lương bổng không kém gì quốc tế.

“Chúng tôi sẽ không tạo ra một Bắc Ninh mới về thu hút đầu tư trong khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngược lại nó sẽ là cái lõi của khu công nghệ cao Hòa Lạc trong khi tập trung thu hút công nghệ”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Cần một bước đệm trước khi chuyển về Hòa Lạc

Để có thể triển khai ngay ý tưởng về NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có một “bước đệm” trước khi về Hòa Lạc.

Có mặt từ đầu buổi giới thiệu, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sự đồng tình của mình về ý tưởng thành lập NIC.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hùng cũng chỉ rõ những bất cập của Hòa Lạc hiện nay. Điển hình là vấn đề giao thông, sự thuận tiện trong đi lại, thiếu nhân lực chất lượng cao, trong khi đây lại là một vấn đề cạnh tranh gay gắt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Hùng cũng đồng ý rằng, để NIC được thành công cần có nhiều chính sách khác biệt và mới cho hoạt động của Trung tâm.

“Việc quan trọng số 1 là phải chỉ ra sự khác biệt NIC với các loại cũ, từ đấy mới quyết định có đáng làm không, có đáng cải cách không? Bởi, nếu không khéo sẽ trở thành sự nâng cấp của một khu công nghiệp thôi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn.

Bộ trưởng Hùng cũng chỉ rõ điểm yếu chết người trong công nghệ hiện nay của Việt Nam là thiếu các công ty tư vấn. Bộ trưởng cho rằng, nếu không khắc phục hạn chế này trong tương lai thì rất khó để phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, cũng như để phù hợp với văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có thể cần một bước đệm trước khi chuyển ra Hòa Lạc như Bộ trưởng Dũng gợi ý.

“Có thể chỉ cần diện tích nhỏ thôi, nhưng nằm giữa trung tâm. Chúng ta thử nghiệm tại thành phố trước, rồi khi Hòa Lạc hội đủ điều kiện thì chuyển về đó”, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh “Không làm ngay thì chậm ý tưởng, chậm đoàn tàu 4.0”./.