Thị trường hàng hóa tháng 11 khá sôi động để chuẩn bị phục vụ Tết

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 11 khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tại nhiều địa phương, ngành Công Thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân.

Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.

Hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng

Trong 11 tháng năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng

Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi. Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng giảm với biên độ lớn, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung, cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%) và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Trong tháng 10/2022, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, trong quý IV/2022, Bộ Công Thương đã họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV/2022.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nỗ lực nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để cung cấp xăng dầu cho thị trường, nên về cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước vẫn được bảo đảm.

Đối với công tác điều hành giá xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt, nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi sử dụng từ 33 đồng/lít – 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Nỗ lực bảo đảm cung cầu hàng hóa trong nước, ổn định giá cả thị trường

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp. Chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ sẽ tập trung vào: (i) Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu đã được phân giao từ đầu năm và bổ sung; (ii) Chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường năng lực sản xuất và các doanh nghiệp nhà nước tăng số lượng nhập khẩu ít nhất đến tháng 6/2023, đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất cập nhật kịp thời chi phí phát sinh vào công thức tính giá cơ sở để tiếp tục điều chỉnh (nếu có); (iii) Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá; (iv) Nghiên cứu đề xuất để có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn kinh doanh xăng dầu cho từng trường hợp cụ thể./.