Trong bối cảnh khó khăn của những năm 1979, từ hai bàn tay trắng, hay nói chính xác hơn là chỉ có "của hồi môn" là 2 cái chén, 2 đôi đũa, vợ chồng ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ, đã vượt qua những biến cố lớn để đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên Tân Hiệp Phát.

40 năm sau, 2 người con gái của ông là bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích đã thay cha quản lí, tiếp tục xây dựng doanh nghiệp gia đình mình.Thuộc thế hệ tiếp nối, con gái đầu

của ông Trần Quí Thanh - bà Trần Uyên Phương, hiện giữ chức Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát và là người thay cha quản lí chính của tập đoàn nước giải khát này.

Gần đây, bà Trần Uyên Phương hầu như đều là người đại diện Tân Hiệp Phát xuất hiện tại các sự kiện dành cho giới doanh nhân. Người kế thừa của ông Trần Quí Thanh đã tiết lộ nhiều hơn về cách vận hành Tân Hiệp Phát cũng như cách quản trị một doanh nghiệp theo mô hình gia đình.

Theo bà Phương, doanh nghiệp gia đình có hai khai niệm lồng ghép là doanh nghiệp và gia đình. Hai khái niệm này cùng lúc xảy ra trong một tổ chức khiến việc vận hành, kết nối và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình tham gia quản lí, điều hành doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn.

"Nếu như các doanh nghiệp khác có thể giải quyết được vấn đề một cách rạch ròi thì câu chuyện tại doanh nghiệp gia đình lại không dễ dàng như vậy. Bởi mối quan hệ của các lãnh đạo trong công ty cũng chính là mối quan hệ cha con, anh em trong gia đình", Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết.

Từ là một người con trong gia đình, rồi thành nhân viên của Tân Hiệp Phát và tham gia điều hành công ty, bà Trần Uyên Phương hiểu rõ được những khó khăn này. Vì vậy, nữ doanh nhân cho rằng công tác truyền thông nội bộ trong một doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng và không hề dễ dàng.

Theo bà, chỉ khi nào các thành viên trong đội ngũ quản lí, điều hành cùng lắng nghe, thấu hiểu nhau thì mới có thể xử lí công việc, đưa tổ chức gồm hàng nghìn người lao động đi lên và vẫn gìn giữ mối quan hệ gia đình.

"Truyền thông trong doanh nghiệp gia đình rất quan trọng vì nếu không chia sẻ tâm tư với nhau, làm sao các quan điểm khác nhau có thể được lắng nghe và giải quyết", bà Trần Uyên Phương nói.

Dưới góc độ người kế thừa, con gái ông Trần Quí Thanh cho rằng mâu thuẫn giữa hai thế hệ cũng là điều thường xuyên nhất xảy ra trong một gia đình.

Tuy nhiên, bà cho rằng nếu như thế hệ F2 đòi hỏi thế hệ F1 mạnh dạn thay đổi trong cách vận hành, quản trị thì chính những người trẻ cũng phải hiểu được quá khứ, truyền thống của doanh nghiệp để làm nền tảng cho bước phát triển tiếp theo.

"Tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi tách rời giữa khái niệm doanh nghiệp và gia đình, giải quyết từng vấn đề một. Chúng càng tách rời bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nếu chúng ta né tránh hoặc không chủ động giải quyết thì sẽ càng làm rối các vướng mắc, mâu thuẫn giữa các thành viên", bà Trần Uyên Phương khẳng định.

Giải thích rõ hơn về điều này, bà Phương cho biết mỗi cuộc trò chuyện với người sáng lập Tân Hiệp Phát là ông Trần Quí Thanh đều có mục đích rõ ràng.

Nếu như là công việc thì bà sẽ đội "chiếc nón" của một nhân viên và gọi ba là "sếp Thanh" và ngược lại, nếu là chuyện trong gia đình, nơi tốt nhất để bàn không phải là công ty.

Ngoài ra, việc giao tiếp giữa hai thế hệ nhà Tân Hiệp Phát được thực hiện thường xuyên, nếu như thời gian đầu chỉ là những bài tập thì dần dà, khi trở thành thói quen thì tự động "guồng" giao tiếp này sẽ được thực hiện liên tục và bài bản.

Ái nữ ông Trần Quí Thanh cho rằng có một tâm lí chung trong giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, đó là sự mặc định đã quá quen thuộc thì có thể thấu hiểu nhau. Tuy nhiên, điểm yếu là khi nói về công việc, thường họ có phần bảo thủ quan điểm cá nhân và dè chừng trước người khác cả về suy nghĩ lẫn kinh nghiệm trong công việc.

"Chúng tôi may mắn khi các thành viên gia đình đều tôn trọng cả hai mối quan hệ tồn tại song song, đó là mối quan hệ gia đình và công việc. Ai cũng nỗ lực đóng góp cho hiệu quả chung chứ không khư khư giữ lấy lợi ích cho phần mình", bà Trần Uyên Phương cho biết.

Là thế hệ F2 tham gia tiếp quản công việc gia đình, ái nữ ông Trần Quí Thanh cho biết bà đã tìm hiểu rất nhiều về các doanh nghiệp gia đình trên thế giới, và tham gia cả những khóa huấn luyện về chủ đề này của Harvard.

Không riêng Trần Uyên Phương, mà các thành viên còn lại của đại gia đình Tân Hiệp Phát cùng tham gia để học và vận dụng cách quản trị doanh nghiệp gia đình trên thế giới.

Bà Phương cho rằng chính cam kết giữa 5 thành viên trong gia đình bà là yếu tố để mọi người thấu hiểu hơn, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển và đi lên.

Trước việc các doanh nghiệp gia đình thường bị "dán nhãn" ngại thay đổi, đặc biệt trong cách vận hành và quản trị, bà Trần Uyên Phương cho rằng điều này không đúng với Tân Hiệp Phát.

Từ con số 0 vào những năm 2000, hiện tập đoàn này đã vươn lên đứng đầu ngành nước giải khát có lợi cho sức khỏe và đứng thứ hai toàn ngành.

"Chúng tôi đã tái cấu trúc rất nhiều lần. Một trong những điều khó khăn nhất là chọn đúng người đúng vị trí, tức ai có thể làm được vị trí đó, một nhân viên cũ sẽ có vị trí lên hay xuống. Đây là điều rất khó, nhưng bắt buộc phải chấp nhận để phát triển lâu dài", bà Phương khẳng định.

Ngoài ra, bà cũng cho biết thêm doanh nghiệp đã mời cả những nhà tư vấn quốc tế hỗ trợ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp, sao cho nội bộ hoạt động hiệu quả và tách rời với gia đình.

Trao đổi bên lề cuộc hội thảo mới đây, bà Trần Ngọc Bích - con gái thứ của ông Trần Quí Thanh, hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng tài chính - nhân sự - vận hành của tập đoàn này, cho biết: "Khi nói đến những công ty gia đình trăm năm, mọi người thường chú ý đến việc chuyển giao thế hệ. Nhưng thực sự, thách thức để tồn tại trăm năm lớn hơn thế nữa".

Theo bà Bích, việc chuyển giao chỉ là trọng tâm trên cơ sở điều kiện cần là doanh nghiệp vẫn phát triển, làm ăn có lãi liên tục trong chuỗi thời gian đó.

"Trong mọi giai đoạn, những người lãnh đạo phải giúp cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi và tiếp tục lớn mạnh, chứ thua lỗ và phá sản thì chuyển giao cho ai để tồn tại trăm năm", nữ tướng thầm lặng của Tân Hiệp Phát bình luận.

Hiện tại, Tân Hiệp Phát là một "đại gia đình" của hàng nghìn người, không phụ thuộc vào bất kì cá nhân nào. Các quyết định của công ty đều phải trải qua nhiều giai đoạn tham vấn, đảm bảo tạo lợi ích cho danh nghiệp và người lao động.

"Không chỉ chuyển giao thế hệ từ nhà sáng lập sang con cái, mà làm sao cho những thế hệ tiếp theo là lãnh đạo và nhân viên kế thừa nếu hiểu được văn hóa, giá trị của tổ chức", bà Trần Uyên Phương cho biết.

Nữ doanh nhân cũng cho biết thêm, khi tìm hiểu về các doanh nghiệp gia đình trên thế giới, bà hiểu rõ việc duy trì mô hình công ty là không dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp gia đình duy trì được từ 5-7 thế hệ. Thậm chí, trên thế giới, còn có một doanh nghiệp duy trì được đến hơn 1.000 năm.

Vì vậy, ái nữ của ông Trần Quí Thanh kì vọng Tân Hiệp Phát cũng sẽ là một doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tồn tại hàng trăm năm, qua việc xây dựng đội ngũ nhân sự kế thừa có năng lực và hiểu văn hoá công ty./.