Đó là thông tin được nêu bật tại Hội thảo quốc tế “Chính sách hướng Nam mới và tầm quan trọng của quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam do Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) tổ chức ngày 3/12/2018.

Thực hiện chính sách hướng Nam sẽ là cột mốc mới trong quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng KIEP, ông Lee Jae Young khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung có vai trò quan trọng đối với Hàn Quốc trước và trong khi thực hiện chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc (NSP).

Cụ thể, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia cầu nối và trọng tâm, chiếm hơn một nửa hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, giao lưu nhân lực…

Về phía Việt Nam, Giám đốc NCIF, TS. Trần Hồng Quang nhấn mạnh, Hàn Quốc hiện nay đang là một trong hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với số vốn luỹ kế đăng ký tính đến hết năm 2017 đạt 57,6 tỷ USD.

Hàn Quốc là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc tăng 117 lần kể từ năm 1992, lên mức 61,5 tỷ USD năm 2017.

Việt Nam – Hàn Quốc cũng đã có những kết quả hợp tác tích cực về lao động, văn hóa và du lịch. Do vậy, việc Chính phủ Hàn Quốc đang ưu tiên thực hiện chính sách hướng Nam sẽ là cột mốc mới trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Về mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc – Việt Nam trong khuôn khổ NSP, Giáo sư trường Đại học Hàn Quốc, ông Park Bun-soon cho biết, Việt Nam là điểm đến quan trọng về FDI của các công ty Hàn Quốc, các doanh nghiệp lớn đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, đơn cử như Samsung, LG, Lotte… Trong đó, xuất khẩu của Samsung chiếm 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Phụ thuộc thương mại vào Hàn Quốc đang gia tăng

Song song với những “điểm sáng”, hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Việt Nam trong khuôn khổ NSP cũng còn tồn tại một số vấn đề nhất định.

Cụ thể, ông Park Bun-soon cho biết, Hàn Quốc liên tục có những thặng dư thương mại đối với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước nhập siêu, chiếm một nửa xuất khẩu và đầu tư của Hàn Quốc.

Còn theo TS. Trần Toàn Thắng, đến từ NCIF cho biết, thì Việt Nam đang chuyển từ thâm hụt thương mại với Trung Quốc sang thâm hụt thương mại với Hàn Quốc, với mức thâm hụt thương mại khá cao, đạt 31,9 tỷ USD năm 2017.

Việt Nam xuất khẩu tương đối tập trung vào một số mặt hàng thay vì đa dạng hóa danh mục hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Thực tế, việc thâm hụt thương mại nói lên tính chuyên môn hóa của các nền kinh tế. “Thâm hụt thương mại sẽ chỉ mang lại kết quả tiêu cực nếu nó trở thành công cụ cho các thương vụ phi thương mại”, ông Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Thắng chi rõ, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI của Hàn Quốc dù đã có cải thiện, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng được Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) thấp (33% trong 6 tháng đầu năm 2018) do doanh nghiệp chưa chú trọng tìm hiểu hiệp định và vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Hướng đi mới cho Việt Nam

Theo TS. Trần Toàn Thắng, trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường liên kết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Hàn Quốc; cải thiện thông tin cung cấp cho doanh nghiệp, đặc biệt là về xuất xứ hàng hóa; thiếp lập cơ chế thông tin, cung cấp thông tin về thị trường giữa hai bên, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến VKFTA; và hỗ trợ kỹ thuật của Hàn Quốc với Việt Nam.

Còn theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, bà Phan Ngọc Mai Phương cho biết thêm, Việt Nam rất tích cực trong việc tìm hiểu thị trường Hàn Quốc, nhưng số lượng các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam để tìm kiếm đối tác, tìm hiểu thị trường vẫn còn hạn chế. Vì thế, cần phải khắc phục tình trạng này.

Theo bà Phương, đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, việc đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến trình kiểm định, đánh giá các mặt hàng của Việt Nam trước khi nhập vào trị trường trong nước rất cần thiết để thu hẹp mức thâm hụt thương mại.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cần chia sẻ thông tin nhiều hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

“Tôi cho rằng, đầu tư của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong tương lai. Để thu hút dòng vốn này, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư của Hàn Quốc vào phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Về phía Hàn Quốc, cần tăng cường ODA cho Việt Nam nhằm chuyển giao công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào thị trường M&A.” GS. Park Bun Soon nói./.