Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn

Đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 7-8 tỷ USD

Đánh giá về tình hình đầu tư của Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018, Việt Nam đã có 206 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 3,1 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia có mặt ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của Campuchia, tập trung nhiều nhẩt trong lĩnh vực nông nghiệp với 54 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD. Các dự án còn lại nằm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế, xây dựng và các dịch vụ khác.

Việt Nam là nước thứ hai có lượng du khách quốc tế đến Campuchia lớn (hơn nửa triệu lượt du khách). Ở chiều ngược lại, lượt khách Campuchia đến Việt Nam đạt 222 nghìn lượt, tăng 5% so với năm 2016. Hợp tác trên lĩnh vực du lịch có sự tăng trưởng tích cực.

Về thương mại, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt 3,8 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh hợp tác hai nước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, lãnh đạo Chính phủ hai nước thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Với kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia năm nay ước đạt 5 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến năm 2020 có thể đạt 7-8 tỷ USD.

“Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực mở ra nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thực tế tiềm năng hợp tác hai nước còn rất lớn. Nếu chúng ta biết khai thác tốt thì có thể tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về sự hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc”, Thủ tướng nói.

Hai nước đều là thành viên của ASEAN, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có nhiều quy định thuận lợi mở cửa thị trường cho vốn, hàng hóa, lao động, dịch vụ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư kinh doanh.

Các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, cần chú trọng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đối tác Campuchia, thực hiện các hoạt động xã hội, quan tâm đến cộng đồng và bảo vệ tốt môi trường.

Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải là những nhà đầu tư tiên phong của Việt Nam hoạt động kinh doanh thành công tại Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đang tiến tới là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030

Năm 2018, Campuchia có khoảng 75 dự án đầu tư vào Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam đã điều hành nền kinh tế chuyên nghiệp, kiểm soát tốt lạm phát. Điều này có tác động tích cực đối với nền kinh tế Campuchia.

Nêu lên một số tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.

“Hơn một thập niên qua, Campuchia đã có sự thay đổi tích cực về kinh tế-xã hội và mức tăng trưởng bình quân trên 7%, năm nay dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3% và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này thời gian tới. Campuchia đang tiến tới là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đang sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư và thông qua Luật về đặc khu kinh tế và sẽ hiện đại hóa hệ thống hải quan và thuế quan, khuyến khích phát triển thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...”, Thủ tướng Hun Sen cho biết.

Ngoài các ưu đãi cho các nhà đầu tư, Thủ tướng Hun Sen cũng chia sẻ rằng, Campuchia là quốc gia có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Campuchia không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Sen cũng cho biết, Campuchia đang hiện thực hóa mục tiêu chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng; mở rộng quốc lộ (4 làn), đặc biệt là các đường quốc lộ kết nối giao thông với các nước láng giềng; xây dựng các hệ thống cảng nước sâu, tạo thuận lợi cho việc liên kết các cảng biển; ổn định về việc cung cấp, nâng cao năng lượng (giảm giá điện) nhằm thu hút đầu tư tại lĩnh vực công nghiệp, sản xuất có giá trị cao.

Thông qua việc đánh giá các yếu tố mang tính quyết định, “hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen khẳng định “Việt Nam là thị trường của Campuchia, Campuchia là thị trường của Việt Nam”.

Qua đó, Thủ tướng Hun Sen cũng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Chính phủ hai nước, cùng với sự nỗ lực các Bộ, ban ngành liên quan, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.