Dự báo trên được đưa ra tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 26/3.

Cơ hội phát triển mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng sôi động, khoảng 30% năm. Với điểm xuất phát thấp, khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp, nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới gần 8 tỷ USD.

“Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 10 tỷ USD trong Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ”, bà Lại Việt Anh dự báo.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Phân tích rõ hơn tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam cho biết, hiện mức độ thâm nhập internet của người Việt chiếm hơn 53%, thời gian sử dụng điện thoại hàng ngày là 6,5 tiếng.

Từ con số nêu trên, bà Hà nhìn nhận đây là cơ hội để cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua nghiên cứu của Neilsen, bà Đặng Thúy Hà cho biết, 77% người dùng internet ở Việt Nam đã từng mua hàng online với các mặt hàng phổ biến như thời trang, mỹ phẩm, sách...

Sở dĩ thương mại điện tử có những bước phát triển như vậy, bà Đặng Thúy Hà cho rằng, động lực mua hàng online là yếu tố quyết định. Cụ thể, động lực ở đây là vấn đề giá cả, các chương trình khuyến mại, các chính sách bán hàng, giao hàng… mà các sàn thương mại điện tử đã đưa đến với người tiêu dùng.

Trình bày xu hướng mới và quan trọng của hoạt động thương mại điện tử hiện nay, bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc Chính sách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Facebook cho biết, các ứng dụng công nghệ tương tác như Facebook, Grab… đang đóng vai trò lớn đối với kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý là, Việt Nam được xem là một quốc gia hàng đầu trong việc tạo ra các ứng dụng tương tác mạnh. Trong đó phải kể đến các ứng dụng như Zalo, BeeTalk, Mocha hay mạng xã hội việc làm Vietnamworks…

Bà Tenzin Dolma Norbhu nhận xét, cùng với việc phát triển của internet băng rộng, thì việc sử dụng các ứng dụng tương tác mạnh ngày càng phổ biến. Việt Nam là quốc gia cao thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Ấn Độ) về sự phổ biến của các ứng dụng tương tác khi có khoảng 70% người sử dụng internet ở Việt Nam đang sử dụng ít nhất một ứng dụng tương tác cao. Khoảng 50% dân số thành thị tại Việt Nam đang mua hàng thông qua truyền thông và các mạng xã hội. Các ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến hơn và đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, các ứng dụng tương tác mạnh đã tạo nên tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỷ USD ở thị trường Việt Nam trong năm 2018. Thặng dư trên mỗi người sử dụng đạt 145 USD/người/năm và thặng dư bình quân đầu người tại Việt Nam là 67 USD/người/năm. Tính đến hết tháng 12/2017, kinh tế ứng dụng (nền kinh tế sử dụng các ứng dụng di động - app) đã mang đến 42.500 việc làm cho lao động trong nước.

Các diễn giả phát biểu tại diễn đàn

Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử

Để phát triển bền vững thương mại điện tử, bà Đặng Thúy Hà cho rằng, các doanh nghiệp không thể dựa mãi vào chính sách khuyến mại, như vậy rất khó giữ chân người tiêu dùng. Thay vào đó, cần cạnh tranh bằng hạ tầng, bằng chất lượng sản phẩm, bằng các phương thức giao hàng nhanh, tiện lợi, uy tín...

Về khung pháp lý cho thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, các quy định cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng cho yêu cầu quản lý thương mại điện tử hiện nay.

Để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, theo ông Tuấn, trước hết phải nâng cấp sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, từ tháng 9/2018 Bộ Công Thương đã có quyết định tăng cường chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Dự kiến tháng 4/2019, sẽ có lễ ký cam kết để chung tay đẩy lùi nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái…

Nhiệm vụ tiếp theo là Bộ Công Thương xây dựng chương trình xúc tiến thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 và cuối cùng là đề ra nhóm giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử tại các địa phương để thu hẹp khoảng cách số của các địa phương tại các thành phố lớn…

Về định hướng quản lý thương mại điện tử trong bối cảnh bùng nổ kinh doanh trực tuyến hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nhiều văn bản để quản lý thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên phối hợp với Cục Quản lý thị trường xử lý vi phạm.

“Trong năm qua, riêng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã xử phạt hơn 20 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Các hành vi vi phạm chủ yếu là minh bạch thông tin, hành vi giao dịch và các trách nhiệm liên quan”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, để bảo vệ người tiêu dùng mua tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái trên internet, hiện Bộ Công Thương đang cùng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng kế hoạch tổng thể chống nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ đưa ra các giải pháp về hành lang pháp lý cho các mô hình mới bởi “nhiều doanh nghiệp hiện còn không rõ mình nằm ở lĩnh vực nào, thương mại điện tử hay mạng xã hội...” - ông Tuấn cho biết./.