Mạng xã hội là kênh bán hàng hiệu quả nhất

Ngày 26/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019.

Theo khảo sát của VECOM, năm 2018, trong cả nước có khoảng 17% doanh nghiệp cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệnh nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 45% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của việc bán hàng thông qua mạng xã hội (tăng nhiều so với tỷ lệ 39% năm 2017), tiếp theo đó là 32% doanh nghiệp đánh giá cao kênh bán hàng thông qua website doanh nghiệp (giảm một chút so với tỷ lệ 35% năm 2017), hai kênh là ứng dụng di động và sàn giao dịch thương mại điện tử hầu như không có sự thay đổi nhiều so với năm trước.

Liên quan đến việc nhận đơn hàng và đặt hàng qua các công cụ trực tuyến, khảo sát của VECOM cũng cho thấy, 84% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có nhận đơn đặt hàng trực tuyến thông qua email (tăng 5% so với năm 2017), cho tới thời điểm hiện tại đây vẫn là kênh quan trọng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các kênh trực tuyến. Tiếp theo đó là mạng xã hội (49%); website (36%) và sàn thương mại điện tử (13%).

TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử

Theo báo cáo của VECOM, điểm trung bình của Chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 là 40,3 điểm, tăng 2,8 điểm so với năm 2018. Thế nhưng, cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất đang ngày càng bị nới rộng khi cách biệt tới 39,4 điểm, cao hơn khoảng cách 36,7 điểm của năm 2018.

Cụ thể, Chỉ số Thương mại điện tử của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Điểm số này cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình của Chỉ số Thương mại điện tử trong cả nước (40,3 điểm) và cao hơn tới gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm).

Chỉ số Thương mại điện tử của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với điểm tổng hợp là 86,8 điểm

Đứng thứ hai là Hà Nội với điểm tổng hợp là 84,3 điểm, cao hơn 4,5 điểm so với năm trước. Hải Phòng năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí thứ 3 về Chỉ số Thương mại điện tử. Hai vị trí tiếp sau vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương.

Nhìn chung top 5 tỉnh thành đầu bảng vẫn không có sự thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với 3 địa phương còn lại cũng rất lớn (khoảng cách giữa Hà Nội với Hải Phòng lên tới 24,7 điểm).

Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (29 điểm) với điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (68,4 điểm) lên tới 39,4 điểm (năm 2018 là 36,7 điểm, năm 2017 là 36 điểm, năm 2015 là 30,5 điểm, năm 2014 là 20,3 điểm, và năm 2013 chỉ là 18 điểm). Đồng nghĩa, sự chênh lệch về phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương đang tăng dần.

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến quảng cáo ứng dụng

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 của VECOM, trong nhiều năm liền, Facebook luôn dẫn đầu là kênh doanh nghiệp tin dùng nhiều nhất để hỗ trợ quảng cáo website/ứng dụng di động trong công ty (năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp có dùng mạng xã hội để quảng cáo lên tới 49% và tăng 6% so với năm 2017), hình thức thông dụng thứ 2 là các công cụ tìm kiếm (33%) và thông qua tin nhắn/email quảng cáo (28%).

Hai năm gần đây cụm từ “Tiếp thị liên kết” cũng đã làm thay đổi nhiều chiến lược làm tiếp thị của một bộ phận lớn các công ty thương mại điện tử, xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Khảo sát cũng chỉ ra có tới 20% doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra chưa tiến hành quảng bá trực tuyến, tỷ lệ này có giảm đôi chút so với năm 2017 nhưng vẫn còn là một con số khá cao trong thời đại công nghệ số.

Có tới 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, mới chi dưới 10 triệu đồng trong năm qua để làm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động, xét về tổng thể tỷ lệ này càng cao thì nhận thức cũng như hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo do doanh nghiệp triển khai thực tế chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chi thêm ngân sách. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi từ 10-50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến chiếm 32% (giảm 4% so với năm 2017) và tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến mới chiếm 11% (tăng 3% so với năm 2017.

Xét trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn là Hà Nội (22% doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng) và TP. Hồ Chí Minh (18%).

Nhìn chung trong vòng bốn năm trở lại đây, xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tẳng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh vượt qua các phương thức cũ, đặc biệt là mạng xã hội với tỷ lệ đánh giá hài lòng của người dùng đang tăng cao và chưa có dấu hiệu chững lại./.