Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, quyết định này không thể “hài hòa lợi ích các bên” khi chuyện lỗ, lãi của doanh nghiệp chưa được làm rõ.

Xăng tăng thêm 426 đồng/lít

Cụ thể, từ 20h ngày 14/6, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được phép tăng giá tối đa đối với xăng là 426 đồng/lít, trong khi dầu diesel được tăng không quá 221 đồng/lít. Như vậy kể từ 20h, giá xăng RON 92 cao nhất doanh nghiệp được bán ra là 23.756 đồng/lít, trong khi dầu diesel là 21.471 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu madút chưa được phép tăng giá.

Cùng với việc cho phép doanh nghiệp tăng giá, Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng thống nhất điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn, giảm từ 400 đồng xuống 300 đồng đối với mỗi lít xăng, dầu diesel và từ 160 đồng xuống 100 đồng đối với dầu madút. Riêng dầu hỏa được tăng trích quỹ bình ổn từ 290 đồng lên 300 đồng một lít.

Giải thích về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết: Sau khi tăng nhẹ đầu tháng 5.2013, giá xăng dầu thành phẩm thế giới kể từ giữa tháng 5.2013 biến động tăng trở lại. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ ngày 15.5.2013 đến 13.6.2013 như sau: Giá xăng RON 92: 112,60 USD/thùng; dầu diesel 0,05S: 117,24 USD/thùng; dầu hỏa: 115,43 USD/thùng, dầu madut 180 cst: 610,02 USD/tấn

Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu (từ 19% xuống 18%) và cho phép sử dụng Quỹ bình ổn giá (160-400 đồng một lít). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, do giá thế giới tiếp tục đi lên, cơ quan điều hành buộc phải cho tăng giá bán lẻ để đảm bảo điều hành theo cơ chế thị trường, hài hòa lợi ích các bên.

Từ 22/3: Nhìn lại 2 lần tăng, 3 lần giảm

3 lần giảm giá xăng liên tiếp trong tháng 4 vào các ngày: 9/4 giảm 500 đồng/lít; ngày 18/4 giảm 410 - 420 đồng/lít và ngày 26/4 giảm 301 đồng/lít. Tổng mức giảm 3 lần là 1.221 đồng/lít.

So với mức tăng giá kỷ lục vào ngày 23/3, tăng 1.430 đồng/ lít xăng, thì người dân vẫn phải chịu giá cao hơn so với trước 209 đồng/lít.

Nhìn lại lý do tăng giá lần này, có thể thấy lý do “buôn lậu” không còn, mà chỉ vì giá bán hiện hành đang thấp hơn giá cơ sở, doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ nên phải tăng giá bán lẻ. Hay như văn bản của Bộ Tài chính nêu là nhằm “hài hòa lợi ích các bên”.

Thực sự đã “hài hòa lợi ích” của người tiêu dùng?

Quyết định tăng giá xăng được đưa ra trong bối cảnh chỉ trước đó ít ngày, các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu đều có chung nhận định các doanh nghiệp xăng dầu đang có tình trạng "lỗ giả, lãi thật", thậm chí nhiều ý kiến đặt vấn đề nên ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn bởi doanh nghiệp thực sự không lỗ như họ nói.

Theo văn bản mới nhất của Bộ Tài chính về điều hành xăng dầu ban hành ngày 1/6 mới đây đang được áp dụng cho tới thời điểm này, thì những quyền lợi mà các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang được hưởng bao gồm: Doanh nghiệp xăng dầu cũng đã được xả Quỹ Bình ổn giá ở mặt hàng xăng sử dụng 400 đồng/lít, dầu hỏa sử dụng 290 đồng/lít, dầu diesel sử dụng 400 đồng/lít, dầu madut sử dụng 160 đồng/lít. Không những thế, lợi nhuận biên mà các doanh nghiệp đang được hưởng (gồm 300 đồng chi phí định mức, lợi nhuận định mức 860 đồng/lít), lớn hơn mức lỗ mà doanh nghiệp đang bù đắp 380 đồng/lít.

Rõ ràng, trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đang lỗ, nhưng về bản chất, sau khi được hưởng ưu đãi từ trích quỹ và chi phí định mức, doanh nghiệp đang được dư ra gần 800 đồng/lít xăng.

Ông Ngô Trí Long- nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài Chính cho rằng: " Thời điểm này tăng giá là hoàn toàn không hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp lỗ lãi không rõ ràng. Họ vẫn tăng chi phí hoa hồng cho đại lý, chứng tỏ họ không lỗ. Giá thế giới lại không biến động. Và hiện tại, các cơ quan quản lý thì chưa đủ công cụ để kiểm soát việc kinh doanh của doanh nghiệp".

Trước đó, phát biểu trên báo giới về chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp, ông cho Ngô Trí Long cũng cho biết: “Không thể tính theo giá nhập khẩu trung bình 30 ngày rồi cộng với các khoản thuế phí theo quy định của Bộ Tài chính để so sánh với giá bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp lời bao nhiêu, hay lỗ như thế nào phải phụ thuộc lượng hàng tồn kho, giá nhập khẩu từng lô hàng và thời điểm tiêu thụ”.

Đó là chưa kể, nhiều chi phí đã bị đẩy về phía người tiêu dùng, như tiền thuế và phí. Cụ thể, theo bảng tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu vừa công bố, thì khi mua một lít xăng, người tiêu dùng đang phải trả tới 8.400 đồng tiền thuế, phí các loại gồm: thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, môi trường và chi phí kinh doanh xăng dầu.

Điều này cho thấy, việc mới dựa trên lợi ích của doanh nghiệp để tính giá xăng đang bộc lộ nhiều bất cập. Điều đáng lưu ý là người dân, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả giá cao cho xăng, dầu nếu giá đó được minh bạch, rõ ràng và thực sự “hài hòa lợi ích các bên”./.