Như dự báo trong một bài viết trước đây của Tạp chí Kinh tế và Dự báo, theo đó, CPI tháng 4 đã tăng nhẹ.

Một điều “đặc biệt” ở CPI tháng 4 cả nước là chỉ số này trong các tháng không nằm trong khoảng biến động CPI của 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Trước đó, cơ quan thống kê đã công bố CPI tháng 4 của Hà Nội giảm 0,15% so với tháng trước, còn ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ số này giảm hơn 0,3% so với tháng trước.

Sau Tết lượng tiêu dùng tiếp tục giảm là một nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có quyền số lớn như lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá giảm hoặc tăng rất nhẹ.

Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,91% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,86% thực phẩm giảm mạnh tới 1,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12%.

Nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng cũng giảm 0,44%, bưu chính viễn thông giảm 0,15%.

Ở phía các hàng hóa tăng giá, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất ở mức 3,62%, trong đó riêng dịch vụ y tế tăng tới 4,51% là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá CPI tháng này tăng dù giá cả các mặt hàng thiết yếu đề giảm. Việc điều chỉnh mạnh phí dịch vụ y tế là nguyên nhân dẫn đến biến động trái chiều giữa các nhóm hàng hóa rất đáng chú ý trong tháng 4.

Tháng 4 là thời gian có nhiều lễ hội và nghỉ mừng Lễ chiến thắng 30/4, ngày quốc tế lao động 1/5 nhưng thời điểm này giá cả nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng ở mức 0,33%.

Trong tháng, hai mặt hàng không thuộc diện tính toán chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt giảm 2,56% và tăng 0,01 % so với tháng trước.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong tháng 4 vẫn còn một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá. Đó là tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn; tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giá xăng dầu giảm tới 2 lần trong tháng 4, giá gas đầu tháng 4 giảm khoảng 20.000 đồng/kg (tính từ đầu năm đến nay giá gas đã 4 lần giảm).

Trước con số “tăng rất nhẹ” của CPI tháng này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ, cho biết, chỉ số này phản ánh toàn bộ nền kinh tế vẫn đang ở trạng thái “vùng trũng”, suy giảm cầu chưa vực lại được. Vì vậy, CPI các tháng sẽ ở tình trạng “nhấp nhô”, hoặc là giảm, hoặc là tăng rất thấp và “cả năm chắc chắn sẽ kiềm chế ở mức dưới 7%”, vị TS này nhận định.

TS. Hồ cũng cảnh báo, con số này thể hiện một sự suy giảm đáng báo động và vấn đề là hướng giải quyết không nằm ở chính sách tiền tệ mà phải ở phía chính sách tài khóa. Dù khó khăn trước mắt là như vậy, nhưng chúng ta vẫn phải “cắn răng chịu đựng” con số tăng trưởng GDP thấp, để chuyển trọng tâm nhiều hơn sang các chính sách có tính chất trung và dài hạn, cụ thể là tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo TS. Phạm Minh Thụy – trưởng phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường (Viện Kinh tế tài chính), mặc dù ông cũng nhận xét là diễn biến CPI tăng chậm và có dấu hiệu giảm ở một số tháng bởi tổng cầu giảm, sức mua yếu, doanh nghiệp mắc hàng tồn kho, người dân thắt chặt chi tiêu. Song, theo ông những lo ngại khả năng giảm phát là không có.

Ông Thụy cho rằng, CPI đang diễn biến theo xu hướng có tính quy luật ở Việt Nam và CPI tăng thấp là do hiệu quả chính sách mang lại. Theo ông, “vào dịp đầu năm, Tết Nguyên đán, giá thường tăng mạnh, sau đó sẽ tăng chậm lại hoặc giảm”. Trong 8 năm gần đây, có 6 năm CPI diễn ra theo xu hướng này là năm 2006,2007, 2009,2010, 2012,2013.

“Rõ ràng, giá tháng 4 tăng thấp là do các biện pháp quản lý giá, điều hành giá và kiềm chế lạm phát. Nếu vừa rồi không kìm giữ giá xăng mà cho tăng ngay thì CPI đã khác”, ông Thụy nhận xét. Ông Thụy cho rằng, việc tăng lương vào tháng 7 và việc sẽ tăng giá điện, giá than, giá viện phí sẽ lập tức đẩy CPI lên.

Bên cạnh đó, diễn biến giá thế giới trong đó có giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất, giá xăng dầu vẫn sẽ “rất phức tạp, khó lường”. Còn giá cả thị trường Việt Nam sẽ biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn vào biến động giá trên thị trường thế giới. Vì vậy “nếu Chính phủ không có những can thiệp mạnh vào thị trường thì giá CPI tháng 12/2013 sẽ tăng từ 0,65-0,7% so với tháng 12/2012 – đây là mức tăng co so với mục tiêu kiềm giữ giá ở mức 6%-6,5% mà Chính phủ đặt ra”.

Do vậy ông kiến nghị “Chính phủ cần quyết liệt ngay để kiềm chế lạm phát, điều hành nền kinh tế đồng bộ để ổn định vĩ mô và cái khó là tìm cách tăng sức mua của nền kinh tế. Tăng đầu tư công, tăng chất đầu tư công là một giải pháp cần nhưng phải quản cho tốt”./.