Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, chiều tối ngày 02/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh quan điểm rằng, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới thì vấn đề an ninh lương thực nói chung, trong đó có mặt hàng gạo nói riêng hết sức được quan tâm và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Trong quý I/2020 vừa qua, dịch bệnh COVID-19 có diễn biến rất nhanh và hết sức phức tạp, có thể nói ảnh hưởng rất nghiêm trọng với Việt Nam và các nước trên thế giới.

“Tình hình thị trường gạo toàn cầu phát sinh các diễn biến, tác động đa chiều, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như tình hình giá cả cung cầu trong nước và việc điều hành gạo thì Bộ Công Thương thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình nhưng cũng thường xuyên đánh giá và báo cáo, xin sự chỉ đạo của các các cấp có thẩm quyền, tránh việc gây ảnh hưởng đến cân đối cung cầu, không những về xuất khẩu, mà cả nhu cầu trong nước để bảo đảm an ninh lương thực tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh”, Thứ trưởng dẫn giải.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 1 triệu tấn, chính xác 930.000 tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019, và nếu tính tốc độ như đã xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 và nửa đầu tháng 3/2020, thì quý I sẽ xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ 2019.

Trong nửa đầu năm 2020, có thể xuất khẩu được 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với hàng hóa có thể cho xuất khẩu.

“Chúng ta dành xuất khẩu chỉ có 3 triệu tấn thôi, nên nếu tình hình xuất khẩu như vậy sẽ đạt 3,7 triệu tấn trong khi các quốc gia, bên cạnh nhu cầu thực tế về lương thực thực phẩm, cũng đã rất quan tâm đến tăng dự trữ chiến lược khiến giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo được mùa, giá gạo trong nước cũng liên tục tăng cao, đồng thời cũng khó xác định diễn biến của dịch bệnh COVID-19 cũng như tâm lý của người dân trong nước có thể lo thiếu gạo, nhất là việc mua dự trữ gạo quốc gia thời điểm đó không thuận lợi”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Chính phủ có quyết định tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để giãn tiến độ xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn giá gạo trong nước. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, trực tiếp làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp và khảo sát lại tình hình trên toàn quốc trong bối cảnh vụ mùa sắp tới của Việt Nam, thì Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án, điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5.

Ngày 29/4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về giải pháp điều hành gạo trong thời gian tới là từ ngày 1/5/2020 cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch bình thường như trước đó.

“Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn rất quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh lương thực”, Thứ trưởng cho biết.

Chính vì vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp: Tăng cường, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo đúng quy định của Nghị định 107 ngày 15/8/2018 của Chính phủ; các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông khi được yêu cầu; UBND các tỉnh, địa phương phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp với các thương nhân vi phạm quy định về duy trì mức dự trữ lưu thông.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có công hàm, văn bản trao đổi đến các đoàn ngoại giao và các thương nhân để kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 172.

Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân (nếu có) trong việc đề xuất chính sách điều hành gạo, Thứ trưởng Thắng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Ngày 29/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố về đoàn thanh tra này. Theo quy định đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 35 ngày, vì vậy đến ngày18/6 tới, đoàn thanh tra mới kết thúc thanh tra theo quy định, kết luận của đoàn thành tra sẽ được công bố rộng rãi.

“Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quyết định cũng như kết luận của Thanh tra Chính phủ”, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ quan điểm.

Bổ sung thêm các thông tin liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, năm nay, mặc dù thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt nhưng chúng ta được mùa vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, trong Đồng bằng sông Cửu Long cũng được mùa.

“Như vậy, trữ lượng của chúng ta một năm đạt khoảng 43,5 triệu tấn thóc, nhưng chỉ sử dụng hết 29,96 triệu tấn thóc và dư được 13,54 triệu tấn thóc. Trong khi đó, chúng ta chỉ mua dự trữ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, do đó vẫn còn dư khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng nói quyết tâm của chúng ta phải đạt được con số xuất khẩu năm 2020 là 7 triệu tấn gạo, như vậy buộc phải cao hơn khoảng 400.000 đến 500.000 tấn gạo so với cùng kỳ 2019”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cung cấp thêm thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như vậy, thì vấn đề an ninh lương thực và lo cho đời sống của người dân được đặt lên hàng đầu, trong khi các nước đang phải phong tỏa, đóng cửa, phương tiện đường không, đường thủy đều phải dừng hết… Thời điểm ngày 23/3, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo, sau đó ngày 10/4 có xuất khẩu gạo trở lại, nhưng có kiểm soát và ngày 20/4 chấm dứt, là khi đó Thủ tướng quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch.

“Bởi sau khi có điều tra, khảo sát và làm việc với các địa phương, đánh giá lại chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương báo cáo, nghe ý kiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì thấy rằng, việc xuất khẩu gạo trong thời kỳ theo quyết định của Thủ tướng hoàn toàn đúng; và Bộ Công Thương đề xuất như vậy vì cũng tính toán đến vấn đề an ninh lương thực khi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội…”, Bộ trưởng cho biết./.