Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruits) cho biết, đây là một thông tin tích cực đối với ngành trái cây Việt Nam nói chung và trái vải Việt Nam nói riêng, vì vụ thu hoạch vải của Việt Nam đã sắp bắt đầu (tháng 6). Những năm trước đây, các vùng vải ở phía Bắc, như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, vì vải chín nhiều nhưng không thể tiêu thụ hết, chưa kể các đầu mối chính nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam là Trung Quốc cũng lợi dụng tình hình để ép giá.

Theo Bộ Công Thương, Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, trái vải là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Úc sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác, như: thanh long, nhãn, xoài… Để xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam vào thị trường này, các doanh nghiệp phải đảm bảo 5 yêu cầu gồm: Vùng trồng an toàn; Cơ sở đóng gói vải phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số; đáp ứng những yêu cầu về bao bì và ghi nhãn, đồng thời phải xử lý chiếu xạ, và kiểm dịch lô vải xuất khẩu…

Theo Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về các quy trình sản xuất, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và hoàn toàn có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật của phía Úc. Theo đó, Cục đã có văn bản hướng dẫn cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp và người trồng vải biết điều kiện nhập khẩu vải tươi vào các thị trường này. Cục cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ và người dân trồng vải triển khai các biện pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, triển khai cấp mã số vùng trồng vải. Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với các cơ sở xử lý chiếu xạ và cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ để vừa đáp ứng yêu cầu diệt trừ sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu nhưng trái cây vẫn giữ được hương vị, độ tươi ngon đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Trên thực tế, Ở các vùng chuyên canh vải, như: Bắc Giang, Hải Dương... đã được tiến hành kiểm tra, cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, Cục đã cấp được 6 mã cho Bắc Giang, 2 mã cho Hải Dương, 2 mã nhãn cho Hưng Yên để các vùng trồng này đáp ứng được yêu cầu về vải và nhãn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và cũng xuất khẩu sang thị trường Úc.

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật, giành được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn nhiều. Chúng ta phải có những giải pháp để giữ vững (và mở rộng) mảng thị trường này. Các quốc gia phát triển luôn dựng những "hàng rào kỹ thuật" cao, yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng thực phẩm nhập khẩu.

Hiện Úc cũng là thị trường xuất khẩu hoa quả lớn cho trái cây của các nước, chính vì thế, quả vải của Việt Nam cũng phải đối đầu với rất nhiều vấn đề, trong đó có việc cạnh tranh với các loại hoa quả của các nước khác đã “ăn sâu, bám rễ” tại thị trường này./.