Báo cáo về tình tình giá cả thị trường của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, tháng 1/2017 là tháng cận Tết, các doanh nghiệp tiếp tục thu mua, tạm trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chuẩn bị cho nhu cầu Tết âm lịch; nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết cũng sẽ tăng, tác động gây sức ép lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, tháng 01/2017 có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: Mặt bằng lãi suất ổn định; nguồn cung hàng hoá trong nước vẫn dồi dào; các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kiểm soát vấn đề kê khai giá và niêm yết giá, các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện...

Vì vậy cơ quan này dự báo, CPI tháng 01 năm nay tăng nhẹ so với tháng trước.

Dự báo CPI tháng 01/2017 tăng nhẹ dù rơi vào dịp mua sắm Tết Nguyên đán

Có chung nhận định về dự báo với cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính, trả lời trên Báo Đầu tư, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cũng cho biết, chưa thấy áp lực tăng CPI trong tháng Tết Nguyên đán Đinh Dậu (tháng 01 và tháng 02/2017).

Theo bà Ngọc, năm nay, riêng giá xăng dầu tăng khiến CPI tháng 01/2017 ít nhất tăng 0,03 điểm phần trăm, cộng thêm việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nữa, nên chắc chắn, CPI cả tháng 01 và tháng 02/2017 cao hơn tốc độ tăng CPI tháng 01, tháng 02 năm 2015 và năm 2016, nhưng tốc độ tăng không nhiều.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, nguyên nhân tăng không nhiều của CPI là do, tháng 1 và tháng 2 là thời gian diễn ra Tết Nguyên đán.

Chi tiêu cho thực phẩm, rau củ trong Tết Nguyên đán của người dân tăng mạnh và chiếm tỷ trọng tương đối lớn nên mặt hàng thực phẩm thường tăng vào dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, giá thịt lợn rất thấp. Giá một cân thịt lợn hơi thậm chí còn không mua được bát phở (28.000 - 30.000 đồng/kg). Thịt lợn là mặt hàng lương thực chủ lực trong dịp Tết không tăng, nên dù nhu cầu có tăng thì giá các loại thực phẩm khác cũng khó có thể tăng.

Ngoài ra, theo quan niệm tại nhiều vùng miền, địa phương, năm nay là năm “con gà” (Đinh Dậu) người dân ít sử dụng thịt gà - mặt hàng tiêu thụ lớn thứ 2 sau thịt lợn, cũng không tăng giá mạnh như mọi năm.

Còn trong năm 2017, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2016 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn; đồng thời, cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục điều chỉnh giá theo lộ trình đối với các dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện và giá xăng dầu cũng sẽ có thể đứng trước sức ép tăng giá; diễn biến thời tiết khí hậu phức tạp cũng ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, nhất là lương thực, thực phẩm gây sức ép lên giá các mặt hàng này và mặt bằng giá chung.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giá là cần phải chủ động, linh hoạt, quyết liệt ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan để cùng với các biện pháp, chính sách điều hành đồng bộ khác mới đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 2017 khoảng 4% như Quốc hội đã đề ra./.

Trong tháng 12/2016, CPI tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 5,3% (dịch vụ y tế tăng 6,93%) do trong tháng có 4 tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,27%).