Trung Quốc tuyên bố không tham gia biện pháp trừng phạt Nga

Theo TASS, ngày 24/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Bình luận trước tuyên bố của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á và Á-Âu Paul Jones, bà Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi phản đối bất cứ đòn trừng phạt hay sự đe dọa nào vì nó không giúp giải quyết vấn đề. Chúng tôi cho rằng chính trị là giải pháp duy nhất để giải quyết tình hình ở Ukraine."

21 quốc gia châu Á ký thỏa thuận thành lập ngân hàng khu vực

Ngày 24/10, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, 21 quốc gia châu Á đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD.

AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh với phần lớn vốn đầu tư ban đầu từ Trung Quốc. Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.

Các thành viên tham gia sáng lập gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Việt Nam.

Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 sau khi các cổ đông sáng lập thông qua và ký kết các điều khoản thỏa thuận. Sáng kiến thành lập AIIB được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2013 với mục tiêu giảm bớt phụ thuộc tài chính vào Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng.

WB: 2014 có thể là một năm đáng thất vọng với kinh tế thế giới

Trong bài phát biểu tại Hội nghị bộ trưởng tài chính các nước thành viên diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Bắc Kinh ngày 22/10, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Sri Mulyani Indrawati cảnh báo rằng bức tranh toàn cầu đã thay đổi và "2014 có thể là một năm đáng thất vọng đối với kinh tế thế giới."

Theo WB, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đã được điều chỉnh xuống và dự kiến trong năm nay chỉ tăng 2,6%, so với mức tăng 2,4% năm ngoái.

Giám đốc Indrawati lưu ý rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu WB tiếp tục hạ dự báo về nhịp độ tăng GDP toàn cầu, nhất là trong năm 2015.

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mua nợ của khu vực tư nhân

Quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Benoit Coeurevừa cho biết ECB dự kiến bắt đầu mua các khoản nợ của khu vực tư nhân theo một chương trình mua tài sản mới, được coi như một phần trong nỗ lực tăng nguồn tài sản của ECB và bơm nguồn tiền vào nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ông Benoit Coeure nói với các phóng viên ở Latvia rằng chương trình mua tài sản trên nhằm mục đích “cân đối bảng kế toán của ECB lên mức độ cao hơn và cải thiện sự vận động của nền kinh tế.” Ông Coeure nhấn mạnh chương trình mua tài sản mới của ECB sẽ tập trung vào việc mua trái phiếu ngân hàng, các cổ phiếu được đảm bảo bằng tài sản thế chấp, và ngân hàng sẽ thực hiện giám sát, theo dõi và đưa các kết quả vào bản dự báo kinh tế trong tháng 12 tới đây.

Tuyên bố chung của hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC lần 21

Ngày 22/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung.

Tuyên bố chung của Hội nghị gồm 18 điểm tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu và khu vực; đầu tư và tài trợ cơ sở hạ tầng; cải cách chính sách tài khóa và thuế phục vụ tái cơ cấu kinh tế; cải thiện dịch vụ tài chính ...

Tuyên bố chung khẳng định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với tổng cầu yếu, tăng trưởng không đồng đều và vẫn thấp hơn mức độ cần thiết để tạo việc làm, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tiếp tục lên cao, khu vực APEC, với vai trò là động lực của nền kinh tế thế giới, cần dẫn đầu quá trình phục hồi toàn cầu hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình hợp tác các Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP) như một diễn đàn cho các nền kinh tế trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, xây dựng sự đồng thuận và tăng cường hợp tác./.