Vũ Ngọc Quang

Khối Chuyển đổi số - Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam

Email: ngocquang.qt14@gmail.com

Tóm tắt

Trên cơ sở lược khảo các nghiên cứu có liên quan đến tác động của đổi mới công nghệ (ĐMCN) đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, tác giả đề xuất nghiên cứu 7 nhân tố ảnh hưởng, sử dụng 3 mô hình hồi quy: mô hình hồi quy gộp, mô hình hiệu ứng cố đnh và mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên để đánh giá. Từ đó, các ngân hàng với bộ dữ liệu riêng biệt có thể sử dụng để đánh giá riêng cho ngân hàng của mình.

Từ khóa: hiệu quả hoạt động ngân hàng, đổi mới công nghệ, hồi quy gộp, mô hình hiệu ứng cố đnh, mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên

Summary

Based on a review of studies related to the impact of technological innovation on bank performance, the author proposes to study 7 influencing factors, using 3 regression models: pooled regression model, fixed effects model and random effects model for evaluation. On that basis, banks with their own data sets can use to evaluate their own banks.

Keywords: bank performance, technological innovation, pooled regression model, fixed effects model, random effects model

GIỚI THIỆU

Trong thời đại CMCN 4.0, ngành ngân hàng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cả trong và ngoài ngành. Để đảm bảo sự thành công, hiệu quả hoạt động là yếu tố cốt lõi đối với ngành ngân hàng. Một hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả không chỉ có khả năng chống chọi với biến động xấu trong hoạt động kinh doanh, mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Trên thực tế, trong hơn 2 thập kỷ qua, ngành ngân hàng trên toàn cầu đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự tiến bộ vượt bậc của ĐMCN (Rishi và Saxena, 2004). Công nghệ mới đã làm tăng tốc độ xử lý và truyền tải thông tin tại các ngân hàng thương mại (NHTM), mở rộng khả năng tiếp cận và nhận thức của khách hàng thông qua một mạng lưới quy mô kết nối khu vực và toàn cầu, đồng thời làm gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động của ngân hàng (Campanella và cộng sự, 2017). Vì vậy, nghiên cứu tác động của ĐMCN đến hiện quả hoạt động của ngân hàng là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ LƯỢC KHẢO NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Thuyết chi phí đại diện

Lý thuyết này được giới thiệu nhằm giải thích tầm ảnh hưởng của cơ cấu sở hữu đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Theo đó, các nhà quản lý thường thực hiện các thể chế dựa trên lợi ích của mình hơn là tối ưu hóa tài sản và lợi ích của chủ sở hữu. Một cách hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn đại diện là sở hữu quản trị. Phương pháp này nhằm củng cố tỷ lệ sở hữu của các nhà quản lý trong công ty, giúp hài hòa lợi ích giữa nhà quản lý và công ty, buộc họ phải hành động vì lợi ích của các cổ đông. Nhìn từ góc độ này, các ngân hàng được sở hữu bởi cổ đông sẽ hoạt động tốt hơn các ngân hàng tương hỗ, ngân hàng hợp tác xã hay ngân hàng chính phủ.

Thuyết phát tín hiệu

Lý thuyết này nói về những thông tin khác nhau trong nội bộ như giữa các giám đốc và các bộ phận trong công ty hay giữa các bên như các nhà đầu tư (Ross, 1977). Theo đó, các nhà quản lý tiếp cận được nhiều thông tin quan trọng về tình hình tài chính của công ty hơn người ngoài cuộc. Trong khi đó, các nhà đầu tư bên ngoài lại phải đối mặt với nhiều thông tin có thể khiến họ bị hiểu lầm khi đánh giá cơ hội đầu tư. Do đó, những biến động về cơ cấu vốn sẽ phát tín hiệu cho các bên bên ngoài nắm bắt được hiệu quả hoạt động của công ty.

Thuyết chi phí giao dịch

Thuyết chi phí giao dịch được Foss phát triển năm 1996 với bản chất là khi đầu tư công nghệ sẽ làm giảm chi phí sản xuất và dẫn đến giá bán giảm; như vậy, chi phí giao dịch sẽ giảm cho người mua, khách hàng mua được sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng là không đổi. Năm 2004, Chen cũng đã nghiên cứu công nghệ và năng suất, theo đó, khi sử dụng công nghệ sẽ làm tăng năng suất và giảm chi phí giao dịch. Đối với ngành ngân hàng, chi phí này sẽ giảm xuống nếu ngân hàng áp dụng công nghệ hỗ trợ thực hiện các giao dịch với khách hàng. Thay vì khách hàng phải đến ngân hàng để yêu cầu thực hiện các giao dịch, thì ở bất kỳ nơi nào, khách hàng cũng có thể thực hiện được giao dịch mà mình muốn. Ngoài ra, thuyết chi phí giao dịch còn thể hiện ở điểm khi ngân hàng đầu tư công nghệ sẽ làm thay đổi chất lượng sản phẩm và tăng hiệu suất phục vụ khách hàng và phát triển công nghệ có thể do lường được chi phí giao dịch thay đổi như thế nào.

Mối quan hệ giữa sử dụng, khai thác công nghệ và hiệu quả hoạt động ngân hàng: Các nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ tài chính nói riêng bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) nổ ra trong nhiều thập kỷ gần đây. Vì thế, phát triển CNTT là việc cần thiết đối với ngành dịch vụ tài chính và ngành ngân hàng chắc chắn dẫn dắt sự thay đổi bằng cách triển khai các giải pháp dựa trên CNTT. Sự thay đổi này đã mang lại nhiều ưu điểm: Tổng chi phí của hệ thống CNTT được giảm đáng kể và bền vững; thông tin khách hàng trên các kênh chính trở nên nhất quán hơn; thời gian để tiếp thị các sản phẩm mới và sáng tạo giảm đáng kể; các tiêu chuẩn dịch vụ được tăng cường và giảm rủi ro. Khi hệ thống nhanh hơn và hiệu quả được phát huy, ngân hàng sẽ có nhiều khả năng mở rộng quy mô và giảm chi phí.

Tác động của công nghệ là giúp các ngân hàng tăng năng suất và từ đó, giảm chi phí hoạt động dẫn đến tăng hiệu quả hoạt động và tiết kiệm lao động. Tuy nhiên, ngân hàng phải bỏ vốn đầu tư cho CNTT và nhân lực CNTT cũng như các cơ sở hạ tầng để triển khai được khi công nghệ thay đổi. Do đó, cần đánh giá hiệu quả của việc đầu tư công nghệ để nhà quản trị ngân hàng có giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp DEA của Chen (2004) cho thấy, sử dụng công nghệ trong quy trình sản xuất sẽ tăng năng suất; sử dụng công nghệ tạo ra hiệu quả cao hơn. Kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa chi phí giao dịch và đầu tư công nghệ đối với ngành rau quả của Đan Mạchcủa Foss (1996) cũng cho thấy, khi đầu tư công nghệ sẽ làm giảm chi phí sản xuất, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, chi phí giao dịch cũng giảm, khách hàng mua được sản phẩm có giá bán giảm nhưng chất lượng là không đổi.

Lược khảo nghiên cứu

Benfratello, Schiantarelli và Sembenelli (2008) nhận định, xác suất áp dụng ĐMCN cao hơn đáng kể đối với các ngân hàng có trụ sở chính ở các tỉnh có tỷ lệ chi nhánh ngân hàng trên tổng dân số cao hơn. Tác động tích cực giữa mật độ chi nhánh và dân số là một minh chứng mạnh mẽ đối với quy trình đổi mới trong ngành ngân hàng. Hơn nữa, nó duy trì ý nghĩa thống kê khi các vấn đề nội sinh được giải quyết bằng cách sử dụng các ước lượng biến công cụ.

Ngugi và Karina (2013) đã nghiên cứu ảnh hưởng của các chiến lược ĐMCN đến hiệu quả các NHTM ở Kenya và thấy rằng, các chiến lược, như: tái định vị sản phẩm, thay thế sản phẩm và chiến lược đổi mới quy trình (tuân thủ các quy định và giảm chi phí) có tác động làm tăng hiệu quả ngân hàng. Theo đó, họ kết luận, việc áp dụng các chiến lược ĐMCN có tác động cùng chiều đến hiệu quả ngân hàng.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm 3.190 ngân hàng đặt tại 17 quốc gia trong giai đoạn 2008-2011 của Francesco Campanella và cộng sự (2015) cho thấy: (1) Có mối quan hệ tiêu cực giữa đòn bẩy tài chính và ĐMCN liên quan đến quy hoạch nguồn lực doanh nghiệp, hệ thống phần mềm và phần mềm quản lý rủi ro tín dụng, nghĩa là tăng nợ để đầu tư cho công nghệ, thì hiệu quả kinh doanh giảm, cho thấy các ngân hàng nghiên cứu sử dụng nguồn lực công nghệ chưa tương xứng với chi phí bỏ ra; (2) Đổi mới quy hoạch nguồn lực và sử dụng phần mềm quản lý rủi ro tín dụng có ảnh hưởng cùng chiều đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng, nghĩa là các ngân hàng có quy hoạch nguồn nhân lực cho công nghệ và có sử dụng phần mềm quản lý rủi ro tín dụng, thì làm tăng hiệu quả kinh doanh cho các ngân hàng nghiên cứu.

Hobe và Alas (2016) chỉ ra rằng,ĐMCN là một trong những động lực sinh lời chính của các ngân hàng và trong thế kỷ 21, nó ngày càng trở nên quyết định trong hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Tại Việt Nam, đa số các NHTM cổ phần đều khẳng định, ĐMCN có ý nghĩa quan trọng sống còn trong hoạt động kinh doanh và 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các công nghệ 4.0 (Ngân hàng Nhà nước, 2019). Mặc dù thực tế các NHTM Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi sự ĐMCN trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng tính đến nay, chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào đi sâu nghiên cứu về tác động của của ĐMCN đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu gần đây đối với chủ đề hiệu quả của NHTM cổ phần trong bối cảnh mới. Cụ thể, Hoàng và cộng sự (2019) đã chỉ ra rằng, chuyển đổi số giúp các ngân hàng tăng chất lượng trải nghiệm cũng như sự kết nối của khách hàng, tăng hiệu quả và năng suất của ngân hàng. Cùng với đó, nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng, dưới áp lực của chuyển đổi số toàn cầu và trong mọi lĩnh vực, việc ngân hàng bắt buộc phải đưa ra các chiến lược chuyển đổi số và viễn cảnh sử dụng Big Data, AI, Machine learning trong quản trị ngân hàng là vấn đề chính và cấp bách cần giải quyết.

Đỗ Thị Thúy Nga (2020) trong luận văn thạc sĩ kinh tế đã tập trung phân tích thực trạng triển khai ngân hàng số tại BIDV giai đoạn 2016-2019 và đưa ra giải pháp về sản phẩm, quy trình triển khai công nghệ mới, hợp tác với các đối tác Fintech, Bigtech, nhân lực trong triển khai mô hình mới, đồng thời, đưa ra kiến nghị nhằm đẩy mạnh triển khai ngân hàng số trong hoạt động bán lẻ tại BIDV.

Còn nghiên cứu của Nguyễn Văn Thủy (2023) đã đưa ra kết luận chuyển đổi số thành công có tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng nói chung. Bằng cách sử dụng dữ liệu của 20 NHTM Việt Nam giai đoạn 2008-2020 và bộ chỉ số về độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT cho các NHTM, nghiên cứu đã chứng minh bằng thực nghiệm tác động của chuyển đổi số đến năng lực cạnh tranh của các NHTM. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đối số nhằm gia tăng sự cạnh tranh cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động.

Như vậy, có thể thấy, đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước tập trung vào mối quan hệ giữa ĐMCN và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Các công trình này đã khai thác một cách đầy đủ và chi tiết khung lý thuyết về tác động của ĐMCN đối với hiệu quả hoạt động của các NHTM cổ phần. Các nghiên cứu đã làm rõ rằng, công nghệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng mạng lưới quy mô, cải thiện khả năng tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đã đề xuất những phương hướng cụ thể để phát triển tiềm năng của công nghệ trong việc áp dụng tối ưu cho các ngân hàng.

ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Trên cơ sở lược khảo các nghiên cứu ở trên, đặc biệt đánh giá, xem xét các mô hình nghiên cứu của từng tác giả về về tác động của ĐMCN đến hiệu quả hoạt động của các NHTM cổ phần, tác giả tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các NHTM cổ phần dưới tác động của ĐMCN như Bảng.

Bảng: Tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động

của các NHTM cổ phần dưới tác động của ĐMCN

STT

Nhân tố ảnh hưởng

Nguồn

Biến phụ thuộc

1

Hiệu quả hoạt động ngân hàng

Casu (2006)

Biến độc lập

1

Công nghệ

Francesco Campanella và cộng sự (2015)

Biến kiểm soát

1

TE/TA: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu

Berge (1995),Naceur và Omran (2011), Lee và Hsieh (2013)

2

CIR: Năng lực quản trị chi phí

Athanasoglou (2008)

3

NPL/TL: Tỷ lệ nợ xấu

Sufian và Chong (2008)

4

Quy mô ngân hàng (SIZE)

Pasiouras và Kosmidou (2007),Perera (2013)

5

Chi phí lãi (COST)

Athanasoglou (2008)

6

Tăng trưởng kinh tế (GDP)

Hassan và Bashir (2003),Pasiouras và Kosmidou (2007)

7

Lạm phát (INF)

Naceur và Kandil (2009), Sastrosuwito và Suzuki (2012)

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Từ bảng hệ thống hóa các nhân tố ảnh hưởng ở trên, có thể nhận thấy, mỗi tác giả tùy thuộc vào mục đích, giới hạn nghiên cứu mà đưa ra những nhân tố ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, việc tổng quan nghiên cứu sẽ giúp tác giả có thể xây dựng mô hình nghiên cứu với những nhân tố ảnh hưởng đầy đủ hơn và có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay đối với ngành ngân hàng; từ đó, có cái nhìn tổng quát hơn để hình thành mô hình nghiên cứu của mình. Theo đó, nghiên cứu đề xuất mô hình đánh giá tác động của ĐMCN đến hiệu quả ngân hàng như sau:

Mô hình hồi quy gộp:

Đề xuất mô hình đánh giá tác động của đổi mới công nghệ  đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Trong đó, ß0 là tung độ gốc, ß1-12 là hệ số tương quan và uit là sai số hồi quy.

Mô hình hiệu ứng cố định:

Đề xuất mô hình đánh giá tác động của đổi mới công nghệ  đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên:

Đề xuất mô hình đánh giá tác động của đổi mới công nghệ  đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Mô hình dữ liệu bảng động, sử dụng mô hình GMM sai phân để hồi quy:

Đề xuất mô hình đánh giá tác động của đổi mới công nghệ  đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

KẾT LUẬN

Nghiên cứu phân tích và đánh giá hoạt động áp dụng công nghệ mới đối với các NHTM cổ phần tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2023 (giai đoạn có nhiều biến đổi trong phương thức hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam với nhiều sản phẩm số hóa mới được cập nhật liên tục). Từ mô hình đề xuất, có thể thu được các kết quả như sau: (i) Bổ sung khung lý luận nghiên cứu về tác động của ĐMCN đến hiệu quả hoạt động của các NHTM cổ phần tại Việt Nam; (ii) Phân tích và đánh giá bức tranh toàn diện về thực trạng hiệu quả hoạt động của các NHTM dưới bối cảnh ĐMCN; (iii) Đề xuất việc hoạch định những chiến lược dài hạn, cũng như các những cơ chế phù hợp nhằm khai thác điểm mạnh, hạn chế điểm yếu để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động tại các NHTM cổ phần hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Athanasoglou, P. P., Brissimis, S. N., and Delis, M. D. (2008), Bank-specific, industry-specific and macroeconomic determinants of bank profitability, Journal of international financial Markets, Institutions and Money, 18(2), 121-136.

2. Abreu, M., and Mendes, V. (2012), Information, overconfidence and trading: do the sources of information matter?,Journal of economic psychology, 33(4), 868-881.

3. Benfratello, L., Schiantarelli, F., and Sembenelli, A. (2008), Banks and innovation: Microeconometric evidence on Italian firms, Journal of Financial Economics, 90(2), 197-217.

4. Berger, A. N. (1995), The profit-structure relationship in banking-tests of market-power and efficient-structure hypotheses, Journal of money, credit and banking, 27(2), 404-431.

5. Benfratello, L., Schiantarelli, F., and Sembenelli, A. (2008), Banks and innovation: Microeconometric evidence on Italian firms, Journal of Financial Economics, 90(2), 197-217.

6. Campanella, F., Della Peruta, M. R., and Del Giudice, M. (2017), The effects of technological innovation on the banking sector, Journal of the Knowledge Economy, 8, 356-368.

7. Coase, R. H. (1995), The nature of the firm, Macmillan Education UK, 37-54.

8. Chen, Y., Du, J., Sherman, H. D., and Zhu, J. (2010), DEA model with shared resources and efficiency decomposition, European Journal of Operational Research, 207(1), 339-349.

9. Dietrich, A., and Wanzenried, G. (2014), The determinants of commercial banking profitability in low-, middle-, and high-income countries, The Quarterly Review of Economics and Finance, 54(3), 337-354.

10. Đỗ Thị Thúy Nga (2020), Giải pháp triển khai ngân hàng số trong hoạt động bán lẻ tại NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Ngoại thương.

11. Foss, N. J. (1996), More critical comments on knowledge-based theories of the firm, Organization science, 7(5), 519-523.

12. Hõbe, L., and Alas, R. (2016), Management Model for Banks, 34.

13. Hoàng Công Gia Khánh và cộng sự (2019), Ngân hàng số từ đổi mới đến cách mạng, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

14. Hassan, M. K., andBashir, A. H. M. (2003), Determinants of Islamic banking profitability, In 10th ERF annual conference, Morocco, 7, 2-31.

15. Lee, C. C., and Hsieh, M. F. (2013), The impact of bank capital on profitability and risk in Asian banking, Journal of international money and finance, 32, 251-281.

16. Naceur, S. B., and Omran, M. (2011), The effects of bank regulations, competition, and financial reforms on banks' performance, Emerging markets review, 12(1), 1-20.

17. Naceur, S. B., and Kandil, M. (2009), The impact of capital requirements on banks’ cost of intermediation and performance: The case of Egypt,Journal of Economics and Business, 61(1), 70-89.

18. Nguyễn Văn Thủy (2023), Tác động của chuyển đổi số tới năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 248+249, tháng 1+2/2023.

19. Ngugi, K., and Karina, B. (2013), Effect of innovation strategy on performance of commercial banks in Kenya, International Journal of Social Sciences and Entrepreneurship, 1(3), 158-170.

20. Ross, S. A. (1977), The determination of financial structure: the incentive-signalling approach, The bell journal of economics, 8(1), 23-40.

22. Sufian, F., and Chong, R. R. (2008), Determinants of bank profitability in a developing economy: Empirical evidence from the Philippines, Asian Academy of Management Journal of Accounting & Finance, 4(2).

23. Sastrosuwito, S., and Suzuki, Y. (2012), The determinants of post-crisis Indonesian banking system profitability,Economics and finance review, 1(11), 48-57.

24. Pasiouras, F., and Kosmidou, K. (2007), Factors influencing the profitability of domestic and foreign commercial banks in the European Union, Research in international business and finance, 21(2), 222-237.

25. Perera, C., Zaslavsky, A., Christen, P., and Georgakopoulos, D. (2013), Context aware computing for the internet of things: A survey, IEEE communications surveys & tutorials, 16(1), 414-454.

26. Rishi, M., and Saxena, S. C. (2004), Technological innovations in the Indian banking industry: the late bloomer, Accounting, Business and Financial History, 14(3), 339-353.

27. Winkler, T. W., Day, F. R., Croteau-Chonka, D. C., Wood, A. R., Locke, A. E., Mägi, R., and Genetic Investigation of Anthropometric Traits (GIANT) Consortium. (2014), Quality control and conduct of genome-wide association meta-analyses, Nature protocols, 9(5), 1192-1212.

Ngày nhận bài: 25/3/2024; Ngày phản biện: 16/4/2024; Ngày duyệt đăng: 26/4/2024