Trung Quốc và Nga nhất trí hợp tác phát triển vùng Viễn Đông

Theo THX, ngày 11/12, Trung Quốc và Nga đã nhất trí hợp tác phát triển khu vực Viễn Đông của Nga trong cuộc gặp giữa phó thủ tướng 2 nước tại Bắc Kinh.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khẳng định: "Bắc Kinh sẵn sàng tích cực tham gia phát triển khu vực Viễn Đông và mở rộng sự hợp tác cùng có lợi của Trung Quốc với khu vực này nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội tại các vùng biên giới."
Ông Uông Dương nói với người đồng cấp Yury Trutnev của Nga rằng mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga đã bước vào giai đoạn mới, đồng thời kêu gọi 2 bên thực thi thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo 2 nước và gặt hái thêm thành quả thông qua hợp tác thiết thực.

Lạm phát thấp làm tăng áp lực nới lỏng tiền tệ ở Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều dấu hiệu suy giảm về tốc độ tăng trưởng khi tỷ lệ lạm phát xuống đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Bình luận về thực trạng này, tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 10/12 cho rằng lạm phát thấp sẽ làm gia tăng áp lực tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ở Trung Quốc trong thời gian tới.
Tỷ lệ lạm phát tháng 11/2014 của nền kinh tế Trung Quốc giảm xuống 1,4%, thấp hơn so với mức 1,6% của tháng 10. Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 11/2009.
Trước đó, giới chuyên gia dự báo lạm phát của Trung Quốc trong tháng 11/2014 là 1,6%. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm khiến các nhà quan sát không khỏi quan ngại về nguy cơ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đi.

Mỹ: Thâm hụt ngân sách liên bang đầu tài khóa giảm mạnh

Nguồn thu tăng mạnh do kinh tế phát triển khả quan hơn và chi tiêu công giảm là hai nguyên nhân chính khiến cán cân thu chi ngân sách của chính phủ Mỹ trong hai tháng đầu tài khóa 2015 giảm mạnh.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo công bố ngày 10/12 của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong hai tháng 10 và 11, thu ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ đạt 404,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi trong cùng thời kỳ là 582,7 tỷ USD.
Như vậy, cán cân thu chi trong hai tháng đầu của tài khóa 2015 chỉ ở mức 178,5 tỷ USD, giảm 21% so với mức thâm hụt 225,8 tỷ USD cùng kỳ tài khóa 2014. Riêng tháng trước, thâm hụt ngân sách liên bang chỉ ở mức 56,8 tỷ USD, giảm tới 58% so với mức thâm hụt 135,2 tỷ USD trong tháng 11/2013.

Ukraine kêu gọi IMF mở rộng chương trình cứu trợ tài chính

Theo Reuters, ngày 10/12, tân Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Aivaras Abromavicius cho biết chính phủ nước này muốn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mở rộng gói cứu trợ tài chính, trị giá 17 tỷ USD do viễn cảnh kinh tế ngày càng tồi tệ của Kiev.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Abromavicius nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn mở rộng chương trình này do tình hình khó khăn."
Ông còn cho rằng còn quá sớm để nói về số lượng tiền bổ sung mà Ukraine cần tới.
Trước đó hồi tháng Chín, IMF từng cảnh báo rằng nếu cuộc xung đột giữa Ukraine và quân ly khai kéo dài sang năm tới, thì Kiev có thể phải cần tới khoản viện trợ bổ sung tới 19 tỷ USD.

ADB và Australia hỗ trợ các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng

Theo Tờ Global New Light của Myanmar, nước này cùng với ba nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng sẽ được vay 10,5 triệu USD từ một quỹ chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Australia để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời vào năm 2015.
Tờ báo dẫn lời Giám đốc ADB tại Myanmar nhận định rằng trên con đường xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, khu vực tư nhân của Myanmar đang gặp phải nhiều thách thức trong việc tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.
Ngoài việc đồng tài trợ 10 triệu USD cùng với Australia, ADB cũng sẽ viện trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 500.000 USD cho Sáng kiến Doanh nghiệp Mekong của các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để phát triển khu vực tư nhân./.