Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng
Hội thảo trao đổi về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam, Đồng chủ tịch của VBCSD, và các đối tác chiến lược, góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia, nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ tương lai. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa khi thời điểm các doanh nghiệp cần thực hiện hoạt động thẩm định báo cáo kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và các quy định liên quan đã có hiệu lực.

Hơn 140 đại diện đến từ các doanh nghiệp cung ứng, vận tải và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam là các đối tác của Nestlé Việt Nam đã cùng tham gia thảo luận, chia sẻ với đại diện VBCSD và các chuyên gia đến từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), và các đơn vị tư vấn kỹ thuật.

Yêu cầu cấp thiết xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero đối với các doanh nghiệp

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, VBCSD, hiện nay có 3 xu hướng toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, đó là xu hướng phát triển nhân văn hơn, thích ứng hơn và xanh hơn. Trong đó, xu hướng phát triển xanh hơn sẽ dẫn tới việc tăng cường áp dụng các quy định siết chặt hơn về tiêu chuẩn môi trường trong cả chuỗi sản xuất và cung ứng, mà tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi phải đáp ứng. Cụ thể, với Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), đây được coi Chiến lược toàn diện nhằm giảm phát thải KNK, là công cụ kinh tế để đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại châu Âu với hàng hóa nhập khẩu trong tuân thủ cắt giảm KNK. Cùng với đó, một loạt các khung quy định khác như: Quy định về cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu thay thế (AFIR), Đạo luật công nghiệp cho NETZERO, Sửa đổi quy định về thương mại thị trường khí nhà kính (ETS), các quy định liên quan đến tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững ESG (IFRS), các quy định liên quan đến nhiên liệu xanh cho hàng không và vận tải biển, năng lượng tái tạo cũng đưa vào diện áp dụng bắt buộc. Đây được coi là những quy định bắt buộc cho hàng hóa, sản phẩm vào thị trường châu Âu trong hành trình thực hiện mục tiêu Net Zero.

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Với việc áp dụng các quy định này, ông Hải chỉ ra một số hàm ý tác động tới các doanh nghiệp cần lưu ý bao gồm các yêu cầu thống nhất về cách thức, số liệu cần phải thực hiện và báo cáo liên quan đến hoạt động phát triển bền vững doanh nghiệp; yêu cầu xây dựng chiến lược, kế hoạch và báo cáo ESG với việc đánh giá, quản trị các rủi ro, thách thức do biến đổi khí hậu, suy kiệt tài nguyên và các yếu tố phát triển bền vững khác tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp; đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tới môi trường và xã hội (ví dụ như quản lý ô nhiễm, tiêu chuẩn lao động từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn bộ chuỗi giá trị). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải tuân thủ đáp ứng yêu cầu các đơn vị độc lập xác nhận tính chính xác, cập nhật của số liệu trong thực hiện hoạt động phát triển bền vững, cũng như đánh giá tác động của doanh nghiệp tới hành tinh bao gồm: phát thải KNK, sử dụng năng lượng và các hoạt động bảo tồn, tái tạo hệ sinh thái…

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng
Ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách Quan hệ đối tác, VBCSD chia sẻ tại Hội thảo

Trong bối cảnh này, ông Hải khuyến nghị 8 hành động doanh nghiệp cần nỗ lực thực hiện để hướng tới lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero bao gồm: (1) Sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo (bao gồm thực trạng tiêu thụ năng lượng trên mỗi sản phẩm, người lao động, diện tính nhà xưởng....); (2) Đánh giá phát thải và chất lượng không khí trong toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm (bao gồm chỉ tiêu và kết quả cắt giảm phát thải, dấu chân carbon tương đương trên doanh thu, lợi nhuận; (3) Quản lý sử dụng nước (bao gồm hiệu quả sử dụng nước, tác động của nước thải tới nguồn nước, tỷ lệ tuần hoàn nước, các sáng kiến phục hồi nguồn nước..); (4) Quản lý chất thải và nguyên vật liệu đầu vào (bao gồm tỷ lệ giảm chất thải rẳn, tuần hoàn vật liệu, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững..); (5) Sử dụng đất và bảo tồn đa dạng sinh học (bao gồm tác động của sử dụng đất tới tái định cư, đa dạng sinh học, quản lý, bảo tồn, phục hồi rừng…); (6) Chuỗi cung ứng và vòng đời sản phẩm (bao gồm tác động tới môi trường của sản phẩm khi thải bỏ, tỷ lệ sản phẩm thiết kế sinh thái, doanh thu từ các sản phẩm phát thải thấp…); (7) Sáng kiến, đầu tư vào lĩnh vực môi trường (giá trị đầu tư vào các sáng kiến, phát minh liên quan đến năng lượng, quản lý môi trường…) và (8) Tập huấn, đào tạo, truyền thông, xây dựng các hoạt động gắn kết các bên liên quan để thực hiện các hoạt động môi trường.

Tăng cường đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh lộ trình giảm phát thải

Theo một khảo sát nhanh, phần lớn các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đã biết đến và mong muốn xây dựng các chương trình hành động nhằm cắt giảm phát thải KNK. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và lúng túng trong việc đo đạc, kiểm kê và xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu giảm phát thải. Vì vậy, chương trình trao đổi và thảo luận không chỉ, nhằm mục đích cập nhật các cam kết quốc tế và của Việt Nam, cung cấp thông tin về khung quy định pháp luật có liên quan, mà còn hướng dẫn các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cách thực hiện báo cáo kiểm kê, cũng như xây dựng và hoàn thiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải hướng đến mục tiêu góp phần hiện thực hóa cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng Ozone, Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Chúng tôi tin rằng, sự đồng hành, chủ trì của Nestlé Việt Nam cùng VBCSD trong việc tổ chức các chương trình đối thoại ý nghĩa là cầu nối cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ về xu hướng quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh, các quy định pháp luật về giảm phát thải KNK và các công nghệ, quy trình quản lý liên quan đến giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hoạt động này là cơ hội nhằm tăng cường sự phối hợp của các đơn vị có liên quan trong tiến trình hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy các hoạt động ứng phó, giảm thiếu biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ tốt nhất cho phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

Ông Phạm Hoàng Hải bày tỏ: “Trong những năm vừa qua, Nestlé Việt Nam và VBCSD triển khai nhiều chương trình hợp tác, trao đổi và đối thoại ý nghĩa và giá trị. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động và sáng kiến của Nestlé Việt Nam với vai trò đồng chủ tịch VBCSD trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải KNK và đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia. Sự kiện này cũng là cơ hội rất tốt để chúng tôi tiếp tục chia sẻ, phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp những thông tin, yêu cầu của thị trường hiện nay về giảm phát thải trong chuỗi cung ứng trên cơ sở cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác chung”.

Doanh nghiệp đi tiên phong phát triển nền kinh tế xanh và bền vững

Chia sẻ tại sự kiện, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam cho biết, vào năm 2020, Tập đoàn Nestlé đã công bố Lộ trình Nestlé Net Zero và kể từ đó, Tập đoàn đã chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình và bắt đầu thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK trên cả 3 phạm vi hoạt động của Nestlé. “Chúng tôi áp dụng hai phương pháp tiếp cận chiến lược chính giúp giải quyết vấn đề phát thải Phạm vi 3. Chiến lược “Nestlé Forest Positive” nhằm mục đích bảo tồn và phục hồi rừng và môi trường sống tự nhiên và “Khung Nông nghiệp Nestlé”, nhằm thực hiện một hệ thống nông nghiệp và thực phẩm có khả năng tái tạo hơn. Bên cạnh đó là thực hiện các sáng kiến và giải pháp nhằm cắt giảm phát thải KNK trong các hoạt động vận tải và hậu cần”, ông Hưng chia sẻ.

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam chia sẻ về lộ trình và hành động của Nestlé hướng tới mục tiêu Net Zero 2050

Theo ông Hưng, tại Việt Nam, Nestlé đi tiên phong với những hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm nỗ lực hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Theo đó, năm 2023, Nestlé Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác công tư nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp thông qua chương trình Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV). Đồng thời chính thức khởi động sáng kiến nông lâm kết hợp trồng 2,3 triệu cây xanh tại Tây Nguyên.

Ngoài ra, giảm phát thải và đầu tư cho chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và hậu cần là một trong những chiến lược quan trọng của Nestlé Việt Nam. Những sáng kiến tiêu biểu có thể kể đến như: ứng dụng thông minh “Cargoo”, nhằm kết nối nhà sản xuất với nhà nhập khẩu, và các hãng tàu, góp phần tăng hiệu suất đóng hàng, giảm chi phí vận tải biển từ năm 2022; ứng dụng thông minh trong quản lý kho và vận chuyển “Transportation-Hub”, giúp tối ưu hóa việc phân bổ đơn hàng và giảm phát thải trong hoạt động vận tải.

Được thành lập từ năm 1995, Nestlé luôn coi trọng những nguyên tắc phát triển bền vững trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Năm 2023, cũng đánh dấu cột mốc 3 năm liên tiếp Nestlé Việt Nam dẫn đầu trong Top 100 "Doanh nghiệp Bền vững năm” trong lĩnh vực sản xuất, kết quả được công bố bởi VCCI trong khuôn khổ Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam./.