Nga bắt tay các nước phương Đông "trục xuất" đồng USD

Trong chuyến công du Trung Quốc hồi cuối tháng Năm vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm và thống nhất với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về việc cùng từ bỏ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch thương mại song phương, dùng đồng rúp và đồng nhân dân tệ để thay thế.

Văn kiện tương ứng đã được Phó Chủ tịch thứ nhất Ban quản trị ngân hàng VTB, Vasili Titov và người đứng đầu ngân hàng Bank of China (một trong bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc), Chen Siqing ký kết.

Trước đó, vào đầu tháng Sáu này, tại phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật liên chính phủ giữa Nga và Triều Tiên ở Vlapostok, hai bên cũng ký hiệp định về việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp. Như vậy, Triều Tiên có thể tin tưởng rằng các nhà đầu tư Nga sẽ đến nước này.

Nhiều chuyên gia đang cho rằng vị trí "thống trị" tuyệt đối của đồng USD trên thị trường thế giới đang phai nhạt dần và sắp hết thời.

Quy mô kinh tế Trung Quốc có thể nhỏ hơn nhiều so với công bố

Theo mạng tin World Affairs ngày 25/6, Tổ chức nghiên cứu kinh doanh đã công bố một báo cáo về kinh tế Trung Quốc sau khi tính toán lại Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ngược trở về năm 1952.

Báo cáo này đã trích dẫn công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Harry Wu, trong đó ước tính rằng trong giai đoạn 1978-2012, GDP của Trung Quốc chỉ tăng trung bình 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 9,8%/năm mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong thời kỳ đó.

Ông Wu cho rằng các số liệu chính thức của Bắc Kinh về giai đoạn 1952-1977 nói chung là chính xác, ít nhất là khi xem xét chúng trong một tổng thể. Điều này cho thấy rằng các số liệu của Trung Quốc ngày càng trở nên kém tin cậy. Công trình của ông Wu cho thấy quy mô của kinh tế Trung Quốc có thể chỉ bằng 2/3 so với những gì mà Bắc Kinh tuyên bố. Vì thế, những phát hiện của ông có thể ảnh hưởng đến nhận định của các nhà kinh tế học trong việc coi Trung Quốc là nền kinh tế có tốc độ trưởng nhanh nhất thế giới hoặc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Giá dầu mỏ thế giới đảo chiều đi xuống do nhu cầu yếu tại Mỹ

Sau khi chốt tuần ở các mức giá cao nhất trong 9 tháng trong tuần giao dịch trước, thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã không duy trì được đà tăng mạnh trước đó và đảo chiều đi xuống.

Nguyên nhân đẩy giá dầu trong tuần sụt giảm là do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu thấp tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, cùng khả năng nguồn cung dầu có thể không bị ảnh hưởng nhiều dù bạo lực vẫn đang tiếp diễn tại Iraq.

Các nhà phân tích cho rằng việc chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ - chiếm hơn 2/3 các hoạt động kinh tế của nước này - trong tháng 5 chỉ tăng có 0,2% sau khi đứng nguyên ở tháng 4 trước đó, đã làm dấy lên những lo ngại về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn số một thế giới này. Ngoài ra, bất chấp bạo lực vẫn đang leo thang tại Iraq, căng thẳng trên thị trường dầu mỏ lại có xu hướng dịu đi trước thực tế sản lượng cũng như việc xuất khẩu dầu thô tại các cơ sở dầu mỏ ở khu vực miền Nam Iraq vẫn được duy trì, thậm chí còn tăng lên do các chính sách ưu tiên. Điều này làm giảm bớt sức ép lên giá dầu.

Một yếu tố khác kéo giá dầu đi xuống trong tuần qua là hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư sau khi giá dầu đã có nhiều phiên tăng mạnh trong tuần trước đó.

Ukraine lắp đặt đường ống cung cấp ngược khí đốt từ EU

Trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 25/6, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yuriy Prodan tuyên bố nước này hy vọng tháng 10 tới sẽ lắp đặt xong một tuyến đường ống nhỏ cung cấp ngược khí đốt từ Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine thông qua Slovakia.

Ông Prodan cho biết Ukraine hy vọng rằng từ ngày 1/10 tới hoặc sớm hơn sẽ khánh thành nhánh đường ống dẫn khí đốt qua Slovakia nói trên.

Trước đó, hồi cuối tháng Năm vừa qua, ông Prodan cho biết nguồn cung khí đốt từ Slovakia sẽ chạy qua đường ống dẫn chưa sử dụng trước đây từ Voyany đến thành phố Uzhgorod. Đường ống này có khả năng cung cấp đến 22 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày, có nghĩa là gần 8 tỷ mét khối mỗi năm.

Ukraine đang cố gắng thiết lập đường cung cấp khí đốt ngược từ châu Âu trở lại nước này qua Slovakia. Tuần trước, Tập đoàn Gazprom của Nga đã khóa van cung cấp khí đốt cho Ukraine với lý do Kiev không thanh toán đúng hạn hóa đơn nợ mua khí đốt hiện lên tới 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Gazprom khẳng định vẫn bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu trung chuyển qua Ukraine.

Trừng phạt mới của Phương Tây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nga

Theo AFP, ngày 28/6, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết vòng trừng phạt mới của Phương Tây nhằm vào Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn đang trì trệ của nước này.

Kênh truyền hình Rossiya dẫn lời ông Ulyukayev nêu rõ Nga đã chuẩn bị sẵn 3 kịch bản trong trường hợp bị trừng phạt kinh tế nặng nề hơn và trong trường hợp tồi tệ nhất thì "mức tăng trưởng kinh tế sẽ giảm nghiêm trọng xuống mức tiêu cực."

Bộ trưởng nói thêm: "Tỷ lệ đầu tư sẽ xuống mức tiêu cực, lợi tức giảm xuống, lạm phát tăng, dự trữ nhà nước thu hẹp...".

Phương Tây đã đưa một số quan chức và công ty của Nga vào danh sách áp đặt các lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh cấm cấp thị thực nhập cảnh và đóng băng tài sản, sau khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea vào Nga hồi giữa tháng Ba.

Phương Tây cũng đe dọa tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga với các cáo buộc Moskva đứng đằng sau các cuộc biểu tình của những người ủng hộ liên bang hóa ở Đông Nam Ukraine./.