Một là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải rõ ràng và nhất quán.

Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành song song việc tăng đầu tư ngân sách vào đào tạo người dân nông thôn với mục tiêu cao nhất là làm thay đổi suy nghĩ thụ động, trông chờ ỷ lại của người dân vào nhà nước, đã ăn sâu trong tư duy của phần lớn nông dân nước này qua nhiều thế hệ. Mục tiêu của chính sách là giúp họ tự tin trước những khó khăn về vật chất và tinh thần để họ trở nên tích cực, năng động, sáng tạo trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai thành công là một kinh nghiệm tốt của Hàn Quốc trong việc định hướng cho chiến lược phát triển nông thôn nói chung và phát triển nguồn nhân lực nông thôn nói riêng. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đề cao và nhấn mạnh yếu tố “phát triển tinh thần của nông dân”, lấy kích thích vật chất nhỏ kết hợp với đào tạo và sự cởi mở, thông thoáng của chính sách để tạo động lực mạnh mẽ về tinh thần cho người dân nông thôn. Qua đó, phát huy nguồn vốn nội lực to lớn tiềm tàng của người dân nông thôn.

Hai là, đào tạo chuyên môn, chuyển giao kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng làm việc cho người lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.

Chuyển giao kiến thức, đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn cho người lao động nông thôn để tạo ra năng lực làm việc có năng suất lao động cao là công việc chung của cả Nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong xã hội. Quan điểm của chính phủ Hàn Quốc về vấn đề này là rất rõ ràng. Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất vào xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động. Các doanh nghiệp và cơ sở kinh tế có trách nhiệm trong việc đưa ra nhu cầu, kế hoạch về sử dụng lao động và tham gia cùng chính phủ dưới nhiều hình thức khác nhau trong triển khai các chương trình đạo tạo nghề cho người lao động mà mình đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng.

Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế nông thôn, chính phủ đã chủ động xây dựng và công bố các định hướng phát triển kinh tế trong dài hạn, trung hạn, cũng như ngắn hạn trên quy mô cả nước và từng vùng. Trên cơ sở đó, hình thành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu của từng ngành và lĩnh vực kinh tế, nhất là khi nền kinh tế đang trong quá trình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực để thực hiện CNH, HĐH. Trong qua trình này, chính phủ phải thường xuyên theo dõi sự biến chuyển của cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời công tác đào tạo nguồn nhân lực mới cho các ngành đang và sẽ hình thành, đồng thời đào tạo lại người lao động ở những ngành bị mất đi để giúp họ có đủ năng lực chuyển sang hoạt động ở các ngành kinh tế mới.

Chính phủ đã triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho lực lượng lao động nông nghiệp trẻ để họ học nghề mới, đặc biệt là lao động mới bước vào nghề. Chương trình này được triển khai sâu rộng ở các khu vực nông thôn, giúp kết nối các chuyên gia với các nhà nông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau đó, bổ nhiệm những người này vào các vị trí tư vấn và giám hộ cho các đối tượng lao động trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan tới nông nghiệp. Nhà nước đứng ra chi trả các khoản chi phí về tư vấn, đào tạo và giám hộ cho những người thực hiện hoạt động này.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng chủ động định hướng cho các trường trung học bổ sung ngay vào chương trình giảng dạy một số môn học nghề, mà nền kinh tế đang cần. Từ đó, tạo ra lực lượng lao động trẻ có hiểu biết và có kỹ năng làm việc tối thiểu ở các ngành nghề đang phát triển mở rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế và toàn dụng được số học sinh trung học sau tốt nghiệp. Kinh nghiệm này rất đáng để Việt Nam tham khảo, học tập.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải được đặt trong tổng thể chính sách phát triển nguồn nhân lực do yêu cầu CNH,HĐH nền kinh tế.Đây chính là sự gắn kết giữa phát triển nguồn nhân lực cho toàn nền kinh tế với phát triển nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn. Theo đó, nguồn nhân lực nông thôn phải được định hướng theo sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu toàn nền kinh tế, chứ không thể chỉ riêng cho khu vực nông thôn. Sự định hướng đúng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới kết quả phát triển nguồn nhân lực nông thôn; đồng thời làm cho các chính sách và giải pháp phát triển nguồn nhân lực nông thôn phù hợp với quy luật và ngược lại.

Bốn là, chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn có những đặc thù riêng so với chính sách phát triển nguồn nhân lực chung. Bởi, hai nguyên nhân sau: (i)Trong khi chính sách chung phải xem xét các mục tiêu phát triển nhân lực cho sự phát triển của các ngành kinh tế trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, thì chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn còn phải xem xét mục tiêu chuyển dịch một bộ phận nhân lực từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, cũng như chuyển dịch trong nội bộ khu vực nông thôn; (ii) Phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải tính đến quy hoạch phát triển nông thôn dài hạn, gắn với công nghiệp hóa nền kinh tế. Chính sách này phải được xem xét cẩn trọng trong các mối liên hệ với tăng trưởng, an ninh lương thực và việc làm của người lao động để hoạch định chính sách về nhân lực cho phù hợp với khu vực này trong các giai đoạn của quá trình CNH,HĐH.

Năm là, chính sách chi tiêu cho phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực nông thôn nói riêng, phải được coi là một bộ phận quan trọng của chính sách đầu tư công. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, sự thành công trong phát triển nguồn nhân lực nông thôn phụ thuộc rất lớn vào quan điểm và mức độ chi tiêu của nhà nước vào giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động chuẩn bị bước vào nghề cũng như đang làm việc. Bên cạnh đó, chính phủ đóng vai trò là người định hướng các chi tiêu này, sao cho nguồn nhân lực được tạo ra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ngày càng đa dạng và tăng lên về chất lượng lao động của các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Sáu là, lực lượng lao động nông thôn chính là nguồn cung cấp nhân lực cho các khu vực công nghiệp và dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH nền kinh tế. Nhưng họ thường không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của các chủ thể sử dụng, vì vậy cần có sự quan tâm lớn hơn của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này.Điều này đòi hỏi, Chính phủ phải chủ động xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nông thôn theo các yêu cầu của CNH, HĐH. Trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ phải hợp tác, liên kết với các khu vực doanh nghiệp, các chủ thể sử dụng lao động để đảm bảo thành công trong thực hiện chính sách nhân lực của mình.

Bảy là, vận dụng các kinh nghiệm thành công, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Theo đó,Chính phủ phải chủ động xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành của nền kinh tế. Cho đến nay, mặc dù mục tiêu đến 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng chúng ta vẫn chưa có được một chiến lược tốt về phát triển nguồn nhân lực chung và nông thôn nói riêng. Huy động rộng rãi các ngành cùng tham gia xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Đối với từng ngành, yêu cầu lớn nhất, quan trọng nhất là phải hình dung nhu cầu về nhân lực của ngành trong thập kỷ tới để tham gia vào chiến lược chung. Tuy nhiên, các chương trình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn cần được triển khai phù hợp với điều kiện từng nơi. Sự thành công của các chương trình phát triển nhân lực nông thôn phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp và cách thức triển khai. Đồng thời, cần đưa ra được các chế tài ràng buộc nhân lực làm việc lâu dài ở lĩnh vực được đào tạo, tránh lãng phí công sức và chi phí xã hội đã đầu tư đào tạo.

Tám là, những kinh nghiệm chưa thành công cần lưu ý để tránh lặp lại, như:(i)Đào tạo không đúng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trong quá trình CNH,HĐH nền kinh tế.

(ii) Đào tạo bất cập giữa lực lượng nhân lực tham gia sản xuất vật chất và nhân lực tham gia các hoạt động quản lý, phi sản xuất vật chất.

(iii) Tách rời nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế với các cơ sở giáo dục, đào tạo.

(iv) Đầu tư không đầy đủ và đồng bộ vào các chương trình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, coi nhẹ các chương trình này, kể cả các chương trình đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp đã tạo ra sự thiếu hụt về kỹ năng chuyên môn và tay nghề của người lao động.

(v) Sự toàn dụng lao động, trong đó có lao động nông nghiệp, nông thôn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thu dụng lao động phi nông nghiệp hàng năm, để chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đáp ứng đúng yêu cầu CNH,HĐH nền kinh tế.

(vi) Cần phân biệt sự khác nhau giữa số lượng dân số với sức mạnh của nguồn nhân lực. Dân số đông mới chỉ là điều kiện cần để phát triển nguồn nhân lực, nhưng đồng thời là nguy cơ tạo ra sự yếu kém của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách dân số đi đôi với chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nói cách khác là gắn chính sách dân số vào chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho toàn nền kinh tế nói chung và cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Choe Yangboo (2011).TheProblematicSituationofAgricultureandRuralKoreainIndustrialization, (bài viết cho Hội nghị Nông nghiệp bền vững ở châu Á diễn ra từ ngày 10-13/10/2011 tại Hà Nội).

2. Vũ Văn Hùng, Bùi Thanh (2010). Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn ở một số nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam,Tạp chí Lao động và Công đoàn, số 449, tr 6-8.

3. Vũ Văn Hùng (2011). Gắn CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Quản trị chiến lược dựa trên tri thức trong khu vực Đông Nam Á – Thách thức, nhân tố và triển vọng, NxbThống kê, Hà Nội, tr 266-272.

ThS. Vũ Văn Hùng

Trường Đại học Thương mại

ThS. Nguyễn Thị Linh Hương

Trung Tâm thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 4/2013