Ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc hội thảo

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề quyền con người

Giải thích về UPR, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP cho biết “UPR là một cơ chế nhân quyền thực sự độc đáo. Đây là cơ chế nhân quyền duy nhất xem xét tất cả các nghĩa vụ nhân quyền của một quốc gia và mọi quốc gia thành viên Liên hợp quốc. UPR là một cơ chế định kỳ (4,5 năm/1 lần) và bổ sung cho các cơ chế nhân quyền khác, ví dụ như các cơ chế kiểm điểm theo công ước và Thủ tục đặc biệt”.

Về cơ chế UPR tại Việt Nam, ông Youssouf Abdel - Jelil, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, UPR là một tiến trình quan trọng cho Chính phủ Việt Nam. Đây sẽ là một cơ chế có sự tham gia trực tiếp của người dân và nhận được những sự đóng góp của các thành viên khác trong Liên hợp quốc chuyển hóa thành những chính sách, biện pháp của Chính phủ, nhằm đưa ra những biện pháp mới tăng cường bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam.

Ông Youssouf Abdel - Jelil nhấn mạnh, Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục là đối tác, là người bạn đồng hành của Chính phủ Việt Nam, cũng như ủng hộ Việt Nam tiếp tục tham gia vào UPR nhằm giúp thúc đẩy bảo vệ quyền con người của mỗi người dân tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thảo – Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế UPR, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận ở cả chu kỳ 1 và chu kỳ 2, và hiện nay đang tích cực chuẩn bị báo cáo quốc gia chu kỳ 3.

Một trong những điểm hết sức nổi bật trong tiến trình UPR ở Việt Nam là luôn có sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các bộ, ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân trong tiến trình UPR tại Việt Nam. Từ việc xây dựng Báo cáo quốc gia, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 2, mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cho đến việc tích cực tham dự, đóng góp ý kiến tham vấn tại các cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Ông Thảo cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người.

Phân tích rõ hơn về vấn đề quyền con người đã được thực thi tại Việt Nam, bà Hoàng Thị Thanh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao cho biết Hiến pháp năm 2013 dành riêng Chương II với 36 điều về quyền con người. Theo đó, 89 văn bản pháp luật, pháp lệnh liên quan đến quyền con người được ban hành. Đặc biệt, việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2013) và 02 nghị định triển khai đã tạo khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo.

Đến nay, Việt Nam cũng đã phê chuẩn thêm 02 công ước: Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước Chống tra tấn.

Việt Nam đã tiến hành thực thi được 175/182 khuyến nghị trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; Tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự và chính trị; Bảo đảm sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương; Giáo dục về quyền con người; Tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người; Nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.

Cùng với các cải cách về pháp luật, chính trị, dân sự, các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội cũng được quan tâm thực hiện.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống 8%; số hộ thiếu đói trong cả nước giảm đi 31,7% so với năm trước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 14,1% năm 2015 xuống còn 13,1% vào năm 2017. Việt Nam có 73% dân số được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017.

Cần tiếp tục thực hiện tốt các khuyến nghị UPR

Tuy nhiên, các đại biểu tại hội thảo cũng chỉ rằng, vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. Những khó khăn này bao gồm khó khăn chủ quan và khách quan trong việc bảo đảm nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Để khắc phục những khó khăn trên, về góc độ pháp luật, bà Ngô Thị Quỳnh Anh – Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và ban hành mới các văn bản pháp luật về quyền con người theo hướng phù hợp với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp 2013 và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên (khuyến nghị 166).

“Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn để đảm bảo tiếp tục thực hiện tốt các khuyến nghị UPR đã được Việt Nam chấp thuận”, bà Quỳnh Anh đề xuất.

Góp ý về các chính sách lao động và hỗ trợ tạo việc làm, bà Vũ Lan Hương – Trưởng phòng Hợp tác đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng công tác phát triển thị trường lao động, tạo việc làm. Theo đó, cần theo dõi, nắm chắc cung – cầu lao động, diễn biến thị trường lao động trong nước, cập nhật tình hình lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, biến động lao động trong các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với thị trường lao động.

Theo kế hoạch, Việt Nam phải hoàn thành nộp Báo cáo quốc gia trong tháng 10 năm 2018; phiên trình bày và đối thoại với các nước về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR sẽ diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 01 năm 2019./.