Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, CIEM là tổ chức sự nghiệp khoa học thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý kinh tế và phát triển doanh nghiệp; đào tạo tiến sĩ kinh tế và thực hiện hoạt động tư vấn theo quy định của pháp luật.

CIEM có nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định: Các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đề án về đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế kinh tế; hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và những vấn đề quản lý kinh tế liên ngành khác.

Bên cạnh đó, đánh giá triển khai thực hiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; tổng kết thực tiễn quản lý kinh tế; đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý kinh tế mới; nghiên cứu lý luận và phương pháp luận về khoa học quản lý kinh tế và phát triển khoa học quản lý kinh tế ở Việt Nam; nghiên cứu, tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức khác; xây dựng hệ thống thông tin về quản lý kinh tế và cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện cung ứng dịch vụ công. Cụ thể, triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và lĩnh vực khoa học có liên quan khác theo quy định của pháp luật; đào tạo tiến sĩ kinh tế theo quy định của pháp luật; thực hiện hoạt động tư vấn về các lĩnh vực khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao; biên soạn các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, tài liệu nghiên cứu về quản lý kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, CIEM có 7 đơn vị gồm: 1- Ban nghiên cứu tổng hợp; 2- Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực; 3- Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; 4- Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp; 5- Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội; 6- Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu; 7- Văn phòng.

Quyết định cũng nêu rõ, CIEM có viện trưởng và không quá 3 phó viện trưởng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2018 và thay thế Quyết định số 117/2009/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiền thân với tên gọi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế của Trung ương Đảng, được thành lập theo Quyết định số 209 NQ-NS/TW ngày 14/07/1977 do Bộ Chính trị ban hành, có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ nghiên cứu về công tác quản lý kinh tế theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Ngày 17/4/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 215-NQ/QHK6 phê chuẩn việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ và trên cơ sở đó Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111 – CP ngày 18/5/1978 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế.

Ngày 27/10/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 07-CP giao Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Trải qua 40 năm thành lập và trưởng thành, từ 22 cán bộ, công chức ban đầu, đến nay Viện đã có một đội ngũ cán bộ gần 100 người, trong đó 95% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, có 2 Phó Giáo sư, 17 tiến sĩ, 37 thạc sĩ và 30 cán bộ có trình độ đại học.

Kể từ khi thành lập, mặc dù có nhiều thay đổi về cơ quan quản lý cấp trên nhưng chức năng và vai trò cơ bản của Viện không thay đổi, Viện luôn là cơ quan nghiên cứu xây dựng và phát triển khoa học quản lý kinh tế ở Việt Nam, đề xuất các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tình hình kinh tế - xã hội của từng giai đoạn phát triển của đất nước, là cơ quan tư vấn kinh tế quan trọng và tin cậy của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; đồng thời được bạn bè và các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế./.