Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng/ Ảnh: Đức Trung

Từ những câu chuyện về sự tử tế

“Xuất phát từ sự đồng cảm cá nhân sau một lần tôi bị đau chân, phải nằm ở nhà, tôi đã được xem nhiều chương trình truyền hình về cuộc sống của những người khuyết tật, được chứng kiến những câu chuyện về sự tử tế, về cách ứng xử hết sức nhân văn và sự hy sinh vô giá của những người sống cùng, đồng hành với người khuyết tật, nhất là khi được xem, được nghe, được chứng kiến những tài năng là người khuyết tật vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực, tôi đã thực sự xúc động và cảm nhận những câu chuyện đã chạm đến trái tim Tôi”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ như vậy tại Lễ ra mắt Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và Phát động sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam ngày 05/12/2019.

“Từ đó lóe lên trong tôi sự thôi thúc, phải làm điều gì đó để có thể sẻ chia bớt khó khăn, giúp họ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, được quan tâm, tạo điều kiện, được thụ hưởng một cách công bằng từ những thành quả của quá trình phát triển đất nước và hơn thế nữa là được tham gia và được thỏa sức sáng tạo và cống hiến”, Bộ trưởng chân tình.

Đến những nỗ lực “Vì sự phát triển của cộng đồng”

Sau khi chia sẻ ý tưởng và được tập thể Lãnh đạo Bộ thống nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra chủ trương và quyết tâm thực hiện một số hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, vừa nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hưởng ứng các phòng trào hướng tới cộng đồng, người dễ bị tổn thương, vừa khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa nhân ái, tốt đẹp của dân tộc ta trong toàn cơ quan, rồi từ đó, lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong toàn xã hội.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, mặc dù công việc ngày càng nhiều và phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh việc nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được Đảng và Nhà nước giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xã hội, quyết tâm dành thời gian và công sức, tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như ủng hộ người nghèo, hỗ trợ đồng bào ở những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, giao lưu, trợ giúp những đối tượng yếu thế, người khuyết tật... với một mục tiêu Vì sự phát triển của cộng đồng.

Cả nước hiện nay có khoảng 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội như những người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người ra tù hoàn lương, người tự kỷ, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị mua bán..., trong đó, có hơn 6 triệu người khuyết tật, riêng người mù và khiếm thị là khoảng 3 triệu người.

“Đây thực sự là những con số đáng để chúng ta suy ngẫm, phải làm gì để đảm bảo sự phát triển bao trùm và bền vững giữa phát triển kinh tế với xã hội”, Bộ trưởng trăn trở.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau cần nhiều hơn nữa những giải pháp thiết thực

Thế giới vừa kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật với trọng tâm là thúc đẩy sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 do Liên hợp quốc khởi xướng.

“Chúng tôi luôn ý thức được rằng “người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân”, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi và quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng chỉ rõ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quan tâm, chăm lo đến đời sống của những người khuyết tật, nhưng do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, mới bảo đảm được những nhu cầu cơ bản nhất của những đối tượng chính sách.

Xã hội và cộng đồng cũng đã có nhiều hoạt động và nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đối với những người khuyết tật nhưng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu.

Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, trước hết là các cơ chế, chính sách phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch, chương trình của nhà nước bên cạnh đó cần sự quan tâm tham gia chung tay góp sức của toàn xã hội.

“Tôi xin lấy một số ví dụ: các công trình cao tầng phải có lối đi cho xe lăn, bảng điều khiển thang máy phải có chữ Brai, lối đi bộ công cộng có lát đường dẫn cảm biến gậy cho người mù, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật có khả năng lao động, các hành vi có văn hóa, nhường người khuyết tật ghế ngồi, chỗ xếp hàng...”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Từ đó, Bộ trưởng khẳng định, đây không chỉ là cách ứng xử tử tế một cách tự giác của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mà còn cần phải được quy định trong các văn bản chính sách để áp dụng thống nhất trong cả nước.

“Làm gì ở đây không chỉ đơn thuần là nhân lên những hành vi ứng xử nhân văn, sự tử tế giữa con người với con người, làm cho người khuyết tật tự tin hơn, có điều kiện sống tốt mà còn phải thiết kế và thực thi các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, người khuyết tật”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch đưa quan điểm.

Đó cũng là lý do vì sao đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi giao lưu rất xúc động với nhóm “Dàn hợp ca hy vọng”, hợp tác với doanh nghiệp xã hội Kym Việt trong một số hoạt động.

Thông qua lễ ra mắt Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và Phát động sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mong muốn sự đóng góp nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của mình sẽ góp phần xây dựng xã hội ngày càng công bằng, văn minh và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bắt tay anh Phạm Việt Hoài/ Ảnh: Lê Tiên

“Chúng tôi chỉ bất tiện, chứ không bất hạnh”

Đến từ Công ty Cổ phần Kym Việt, một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người khuyết tật khác, anh Phạm Việt Hoài, một người khuyết tật đã vượt lên chính mình, trở thành Chủ tịch HĐQT công ty mạnh mẽ truyền tải thông điệp “người khuyết tật chỉ mang trên mình sự bất tiện chú không bất hạnh”.

Những năm qua, sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm của người khuyết tật mang thương hiệu Kym Việt đã ra thị trường trong nước và quốc tế. Những món quà được làm và thiết kế bởi những người khuyết tật như anh Hoài cũng đã theo chân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra thế giới, trở thành món quà tặng đầy ý nghĩa và nhân văn đến bạn bè quốc tế.

“Tôi cho rằng người khuyết tật chỉ mang trên mình sự bất tiện chú không bất hạnh. Chúng tôi muốn xã hội thấy rằng chúng tôi không đáng thương, chúng tôi cũng có thể làm được những việc mà những người bình thường làm được và khao khát được cống hiến cho xã hội. Tôi cũng hy vọng rằng những người khuyết tật trên cả nước có thể vượt qua chính mình, vượt qua những mặc cảm. Chúng ta không nên có suy nghĩ người khuyết tật cần được bao bọc mà nên có những sự hỗ trợ để người khuyết tật tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng”, anh Hoài chia sẻ.

Có thể nói, những hoạt động đầy tính nhân văn, vì sự phát triển của cộng đồng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và triển khai thực hiện đã trở thành điểm tựa cho nhiều người khuyết tật tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng động.

Xúc động kể lại chuyện năm ngoái khi biểu diễn thì được Bộ trưởng khi ấy chống nạng do đau chân đến nghe, động viên; Cán bộ, nhân viên Bộ tặng trang phục để dàn đồng ca biểu diễn, anh Nguyễn Văn Hùng, thành viên dàn hợp ca "Hy vọng của những người khiếm thị" cho biết đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Anh Hùng chia sẻ rằng: “Không ai giàu đến mức không cần cái gì và không ai nghèo đến mức không có gì để cho người khác!”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đầy cảm xúc khi bày tỏ tình cảm của mình đối với người khuyết tật.

“Các bạn tuy không thể nhìn cuộc sống bằng đôi mắt như mọi người, nhưng bù lại, các bạn cảm nhận được nó bằng trái tim, còn chúng tôi giúp các bạn tiến lên phía trước nhanh hơn, tự tin hơn bằng cây gậy trắng, để rồi các bạn được đến những nơi các bạn muốn, được nắm bắt các cơ hội, được làm việc, được cống hiến và quan trọng hơn là được giúp đỡ người khác”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng chỉ rõ, chính những người khuyết tật đã cho thấy được nghị lực, sự vươn lên và khát vọng làm việc, khát vọng cống hiến.

Bộ trưởng cũng khẳng định, mỗi người, dù là ai, đều có thể dành trí tuệ, tài năng hay vật lực của mình để giúp đỡ người khác.

“Tôi giúp bạn, bạn giúp người khác, người khác lại giúp người khác nữa và cứ thế cho đến khi chúng ta thực sự có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn và lớn hơn nữa là sự tử tế. Thay vì phải thấy tình trạng bạo lực, xâm hại, tệ nạn xã hội, ứng xử phi văn hóa, phi đạo đức... trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn những câu chuyện tử tế”, Bộ trưởng chân tình chia sẻ quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu thực hiện lễ lắp ghép Cây gậy trắng. Ảnh: Đức Trung

Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái

Xúc động với những chia sẻ của người khuyết tật, những chia sẻ của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ rằng: “Tôi không có bài phát biểu chuẩn bị sẵn, tôi muốn nói những lời từ trái tim mình”.

Hoan nghênh chương trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: “Được gặp các anh chị khuyết tật, có lẽ cảm nhận chung của chúng ta là sự khâm phục, các anh chị đã vươn lên, chiến thắng chính mình. Nghị lực ấy đã thôi thúc chúng thôi làm tốt hơn nữa công việc của mình. Tôi cảm thấy mình được động viên hơn trong cuộc sống, công tác. Không có lý do gì để mình không đón nhận sự khích lệ từ các anh, chị để mà cố gắng hơn nữa”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thực hiện cam kết phát triển bền vững. Theo đó, cần thực hiện 3 trụ cột về phát triền bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau như Liên hợp quốc đã khẳng định.

Cụ thể, trụ cột thứ nhất là phát triển kinh tế gắn với xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế đã bao hàm các yếu tố xã hội mà động lực chính là sức mạnh của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Trụ cột thứ 2 là bình đẳng xã hội, chăm lo những người yếu thế, phụ nữ, trẻ em, những người khuyết tật, thể hiện sự bình đẳng. Trụ cột này rất cần sự tham gia của nhiều người kể cả các cá nhân và các tổ chức xã hội.

Trụ cột thứ 3 là nâng cao năng lực quản trị xã hội bao gồm năng lực thể chế, năng lực điều hành, năng lực hoạch định chính sách có sự tham gia của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh rằng, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau cần nhiều hơn nữa những giải pháp thiết thực và đặc biệt là cần nhiều tấm lòng nhân ái.

Lãnh đạo Quốc hội cũng trao một số tiền của cá nhân bà cho chương trình/ Ảnh: quọhoi.vn

Cũng tại Lễ phát động, Lãnh đạo Quốc hội cũng trao một số tiền của cá nhân bà cho chương trình. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục đồng hàng cùng Chương trình hỗ trợ cho người khuyết tật, người khiếm thị, người yếu thế. Đồng thời đánh giá cao cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện chương trình này.

Tin tưởng rằng chương trình và sáng kiến sẽ tạo sức lan tỏa, được nhân rộng, huy động được sự hưởng ứng, chung tay và tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hôm nay trong lễ ra mắt này mới là 14.720 cây gậy trắng, nhưng mai đây, cùng với sự chung tay của rất nhiều người, số gậy sẽ lên tới 1 triệu cây hoặc có thể còn nhiều hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu của tất cả các bạn./.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao gậy cho người khiếm thị/ Ảnh: Lê Tiên