Sáng ngày 25/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020, với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước. Các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến tham dự Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%; tạo việc làm cho hơn 1,655 triệu người

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2019, là năm thứ tư liên tiếp Bộ hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 90,06%, đây là Bộ luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, nhạy cảm, qua đó đã nội luật hóa công ước và các cam kết quốc tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Bộ đã hoàn thành 196 nhiệm vụ (đạt 100%) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ, không có nhiệm vụ quá hạn. Năm 2019, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động, đạt 103,2% kế hoạch; đưa 148 nghìn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về đích trước 1 năm trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Tuyển sinh dạy nghề đạt trên 2,33 triệu người, là năm thứ hai liên tiếp tuyển sinh vượt kế hoạch; giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 giảm 1,35%, đến nay hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%; theo tiêu chí của Liên hợp quốc, còn 1,45%, đáng phấn khởi là đã xuất hiện nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo, tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo tại một số địa phương.

Về lĩnh vực người có công, qua hơn 3 năm đã giải quyết chế độ hoặc giải đáp, trả lời đối với 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH - trên 6000 hồ sơ), trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh. Hiện nay, đang tiếp tục xem xét theo hướng mở rộng phạm vi đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân và theo báo cáo của các địa phương, có 8 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng.

Toàn Ngành đã tổ chức rà soát, sắp xếp lại bộ máy, giảm trên 100 các phòng, ban, rà soát, sắp xếp giảm 133 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đạt 10,8% chỉ tiêu Nghị quyết Trung ương.

Các lĩnh vực bảo trợ xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; hợp tác quốc tế; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển, có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức, như: Công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chậm được khắc phục. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, không có chiều hướng giảm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Thành công của ngành LĐ-TB&XH đến từ sự phối hợp

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những kết quả đạt được của ngành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có cả sự phối hợp rất chặt chẽ của các ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải quyết liệt hơn nữa trong phát triển bảo hiểm xã hội khi tỷ lệ bao phủ loại hình này còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra.

“Căn bản nhất không phải là mệnh giá đóng bảo hiểm mà làm sao vận động người dân thay đổi thói quen tự bảo hiểm cho mình bằng cách tiết kiệm tiền sang tham gia bảo hiểm xã hội. Chúng ta cần kêu gọi các đoàn thể, doanh nghiệp cùng tham gia vận động, tuyên truyền để người dân coi việc tham gia bảo hiểm xã hội là quyền và trách nhiệm của mỗi người”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong công tác đào tạo nghề, bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Thủ tướng lưu ý rằng, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam vẫn đang đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, thứ 102 trên thế giới. Trụ cột về kỹ năng lao động trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng thứ 8 trong ASEAN. Vì thế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân rộng hơn nữa mô hình nhận chuyển giao các chương trình đào tạo nghề tiên tiến trên thế giới thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chỉ đạo, tập huấn, thậm chí “cầm tay chỉ việc”.

“Nếu không làm nhanh thì dù tăng cả 10 bậc trong 1 năm thì chúng ta cũng chưa thể vươn lêp tốp 4 ASEAN như mục tiêu Chính phủ đặt ra trong 5 năm tới”, Phó Thủ tướng nói.

Mặc dù ngành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã rất chú trọng công tác trẻ em, song Phó Thủ tướng yêu cầu mạng lưới bảo vệ, chăm sóc trẻ em của chính quyền cơ sở phải là hạt nhân để mọi người dân, cộng đồng xã hội tham gia vào hoạt động này.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, một trong những thước đo hiệu quả của cải cách hành chính, hiện đại hoá bộ máy là cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có 103 dịch vụ công cấp bộ, nhưng mới có 2 dịch vụ công trực tuyến cấp 4.

“Các đồng chí phải làm quyết liệt hơn vì bên cạnh chúng ta có Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hệ thống công nghệ thông tin rất tốt, đầy đủ dữ liệu. Nếu kết hợp được thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thể là một trong những bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh hơn nhiều bộ khác”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, năm 2019, ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá

Tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm, cải thiện và nâng cao mức sống

Thống nhất với báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, năm 2019, ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá (xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động) và 2 ưu tiên (giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em). Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trước 1 năm.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng là cơ quan chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao. Riêng công ước 98 Chủ tịch nước trình thì 100% đại biểu tán thành. Chúng ta còn 2 Công ước là 105 và 87.

“Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, chúng ta đã đưa tinh thần và tiêu chuẩn, nguyên tắc đó vào đây. Khi tham gia đàm phán các Hiệp định FTA thế hệ mới, bao giờ vấn đề lao động, công đoàn cũng được nhắc tới. Đây là những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, các văn bản này thông qua sẽ có hiệu lực sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong bối cảnh mới, khi chúng ta cam kết và thực thi các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA)”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trưởng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

Cùng với việc yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền áp đáp nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn”; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn… Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình.

Chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

“Lãnh đạo Bộ và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo./.