Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư 2020 / Ảnh: Đức Trung

Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ KH&ĐT ngày càng được cải tiến, đổi mới

Báo cáo tóm tắt kết quả chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm 2020, tại Hội nghị Giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020, ngày 28/7/2020, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành nhiều công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trình Quốc hội thông qua 03 luật và 03 nghị quyết. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ ngày càng được cải tiến, đổi mới.

Những tồn tại, bất cập trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ được giao đã được chấn chỉnh, khắc phục. Tình trạng các đề án không khả thi, chậm tiến độ, chất lượng không cao đã được giải quyết triệt để; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng được chú trọng. Tính đến ngày 30/6/2020, Bộ đã trình toàn bộ 39 đề án, báo cáo được giao, đạt tỷ lệ 100%.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

“Tuy công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng chậm trả lời hoặc nội dung trả lời chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một số ít công chức chưa cao, chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ cũng như nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn”, ông Trung báo cáo với Hội nghị.

Nguyên nhân khách quan được đưa ra là do: (i) Bộ được giao thực hiện đề án, nhiệm vụ mới, có tính chất đột xuất, thời hạn hoàn thành ngắn, do đó, đòi hỏi cần có nhiều thời gian nghiên cứu; (ii) sự chậm chễ trong phối hợp của một số bộ, cơ quan liên quan ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên nhân chủ quan do tinh thần trách nhiệm, tác phong, thói quen của một số công chức còn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung báo cáo tóm tắt kết quả chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm 2020

7 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm

Theo ông Trung, 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhưng chúng ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

“Điều này đòi hỏi trong 6 tháng cuối năm, toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục đoàn kết, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”, ông Trung nêu rõ.

Trong đó, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; tổng hợp, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch năm 2020; tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược, nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tập trung triển khai hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; phối hợp hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng và các đô thị lớn.

Thứ hai, theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như: Kết luận 77/-KL/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 42/NQ-CP, 84/NQ-CP,… của Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, chủ động, phối hợp xây dựng trình cấp có thẩm quyền các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, quý; tổng hợp, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ tư, tổng hợp, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền kế hoạch đầu tư công năm 2021; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban kinh tế - xã hội và Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ sáu, thực hiện tốt vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ (Tổ 1317), chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và quốc tế, nhận diện rõ thời cơ, thách thức, dự báo các tác động, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đối sách, giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thứ bảy, triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, báo cáo được giao trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.