Từ những cá nhân giỏi, đến những điển hình tiên tiến

Đến ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) hỏi anh Phạm Tấn Tài, thì ai cũng biết. Anh chính là tấm gương điển hình vượt khó làm giàu.

Hơn 10 năm trước, gia đình anh Tài thuộc diện khó khăn nhất ấp bởi tôm bị chết hàng loạt, vốn liếng mất sạch. Cha mẹ anh Tài vì thế cũng lâm bệnh nặng, đến nay vẫn chưa khỏi hẳn. Khi ấy, chàng trai tuổi 20 quyết tâm sẽ làm giàu bằng nghề nuôi cá bống tượng và tôm sú truyền thống của gia đình.

Bằng sự năng động, kiên trì vượt khó, đến nay anh đã trở thành triệu phú với thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm.

Anh Phạm Tấn Tài đã đứng ra vận động thanh niên trên địa bàn ấp thành lập HTX Thanh niên xã Hòa Thành

Không chỉ làm giàu cho bản thân, từ năm 2011, được sự hướng dẫn của xã đoàn, anh Phạm Tấn Tài đã đứng ra vận động thanh niên trên địa bàn ấp thành lập HTX Thanh niên xã Hòa Thành. Trong đó, anh Tài tình nguyện hỗ trợ cây, con giống miễn phí và trồng bí đao gây quỹ hỗ trợ vốn giúp thanh niên khởi nghiệp. Vì thế, nhiều thanh niên địa phương tham gia HTX, hiện nay HTX có 17 thành viên chuyên nuôi tôm công nghiệp, cá bống tượng và làm rẫy.

Nhờ xây dựng mô hình đa canh, đa con đạt hiệu quả, các thành viên đã phấn đấu vươn lên khá giả, với thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Mỗi năm, tổng lợi nhuận từ các mô hình của các thành viên HTX ước tính gần 2 tỷ đồng.

HTX Thanh niên xã Hòa Thành cũng là một trong 60 mô hình, THT, HTX tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương vào tháng 5/2014.

Cũng tương tự, THT ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng có một cá nhân đứng đầu xuất sắc. Tổ trưởng THT là anh Trần Văn Phong. Anh Phong hiện là tỷ phú trẻ của xã Tân Nghĩa và đang là tổ trưởng THT đa dịch vụ của Xã đoàn Tân Nghĩa với nhiều công việc, như: gặt đập liên hợp, làm đất...

Từ 14 thành viên hồi năm 2008, đến nay tổ đã có gần 30 thành viên. Anh Trần Văn Phong, cho biết: “Sau khi xây dựng hợp đồng hợp tác, phương án sản xuất, quy chế, THT đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào tháng 10-2008. Ban đầu, nhờ hỗ trợ của Xã đoàn Tân Nghĩa, Tổ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào các trạm bơm điện để phục vụ bơm tưới cho bà con trên địa bàn ấp”.

Thấy THT mới có một dịch vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương nên Ban Điều hành tổ đã mạnh dạn xin vay vốn đầu tư và thành lập thêm Tổ máy gặt đập liên hợp vào tháng 2/2009 với 16 thành viên. Tài sản của THT gồm có: 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy kéo nhỏ, phà chuyên chở, máy đẩy phà... với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng.

Hàng năm, tổ máy gặt đập liên hợp đảm nhận phục vụ cho trên 20% diện tích lúa của ấp 3 xã Tân Nghĩa. Các thành viên trong THT bàn bạc thống nhất làm thêm dịch vụ cày xới đất.

Năm 2013, được sự hỗ trợ của Xã đoàn Tân Nghĩa, THT xây dựng phương án sản xuất để vay 250 triệu đồng từ nguồn vốn thuộc Đề án 120 của Trung ương Đoàn, cộng thêm nguồn vốn đóng góp của tổ viên, tổ hợp tác đầu tư mua 1 máy cày trị giá trên 500 triệu đồng.

Thời gian đầu, THT làm dịch vụ cày xới đất cho người dân địa phương và các xã lân cận. Hiện nay, THT đã mở rộng địa bàn gặp đập sang các tỉnh như: An Giang, Tiền Giang… Anh Trần Văn Phong cho biết, thành viên tổ gặt đập liên hợp luôn có thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, ĐVTN tham gia góp vốn đều được chia lợi nhuận hằng năm theo tỷ lệ đóng góp.

Hiện nay, mỗi máy gặt đập cho lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm. Anh Trần Văn Rồng, thành viên tổ, chia sẻ: “Từ khi vào tổ THT thì thu nhập của tôi ổn định hơn vì có việc làm quanh năm. Hết gặt lúa ở tỉnh bạn thì tôi về tỉnh nhà. Nhờ vậy cuộc sống khá hơn trước rất nhiều”.

Vẫn cần nhiều sự hỗ trợ của các cấp, các ngành

Theo anh Trần Văn Phong, hoạt động của THT vẫn gặp một số khó khăn, như: một số thành viên trình độ chưa cao nên khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế...

Anh Huỳnh Minh Thức, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Đồng Tháp), cho biết: tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 150 THT và 1 HTX, thu hút 1.186 đoàn viên, hội viên, thanh niên có việc làm ổn định, thường xuyên. Theo anh Thức, đối với nguồn vốn hoạt động của các tổ hợp tác, ngoài nguồn đóng góp của các tổ viên, các cấp bộ Đoàn còn vận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Trung ương Đoàn với số vốn trên 1,2 tỷ đồng cho vay 13 dự án, thu hút trên 85 lao động.

Tổ chức Đoàn còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn trên 405,5 tỉ đồng để hỗ trợ vốn vay cho thanh niên. Từ những nguồn vốn này đã có nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, như: Tổ hợp tác xây dựng 167, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh); Tổ hợp tác máy gặt đập liên hợp xã Phú Điền (huyện Tháp Mười), Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt xã Tân Phú Đông (TP. Sa Đéc)...

Qua đó, toàn tỉnh có 26 thanh niên nhận Giải thưởng Lương Định Của (từ 2006 – 2013), 12 thanh niên được UBND tỉnh tuyên dương "Thanh niên nông thôn tiêu biểu".

Tuy vậy, các THT đa số chỉ hoạt động trên một lĩnh vực nên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tại địa phương; lợi nhuận đạt được chưa cao, thu nhập mang lại cho tổ viên còn ít; một số THT chưa xây dựng được đầy đủ các nguồn quỹ phục vụ hoạt động của tổ.

Nguyên nhân là trình độ và nhận thức của thanh niên đối với kinh tế tập thể còn hạn chế; cán bộ quản lý các tổ THT thanh niên còn hạn chế về trình độ, nhận thức, kỹ năng quản lý điều hành; hoạt động liên kết giữa THT và doanh nghiệp ở khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định. Vì vậy, anh Thức cho rằng các ngành liên quan cần nghiên cứu, tạo cơ chế thuận lợi để hỗ trợ cho các THT, HTX hoạt động và phát triển vững mạnh.

Theo anh Trần Hoàng Vang, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), toàn huyện có 94 THT thanh niên, câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh, nhưng hầu hết đều chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Anh đề xuất, cần tìm những phương thức hỗ trợ phù hợp giúp mô hình THT, HTX phát huy hơn nữa hiệu quả, là cái nôi giúp thanh niên thoát nghèo./.