Khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm sút

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 8/6, đại biểu Đinh Công Sỹ đến từ Sơn La cho biết, từ quý II/2014 đến nay, số du khách quốc tế vào nước ta liên tục sụt giảm. Bên cạnh những yếu tố khách quan, vị đại biểu này cho rằng, ngành du lịch và chính quyền các địa phương cũng cần nhìn thẳng vào sự thật nguyên nhân từ các yếu tố chủ quan như công tác quản lý và điều hành, cụ thể là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao, tình trạng cung cấp dịch vụ tại các địa điểm du lịch còn mang tính chất ngắn hạn, tự nâng giá dịch vụ cao quá mức vào mùa lễ hội hay tại các kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Các sản phẩm du lịch ở các địa phương khác nhau, nhưng vẫn na ná như nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu đi tính độc đáo, nhất là các hoạt động lễ hội diễn ra sôi động đầu năm ở hầu các địa phương, nhưng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng du khách như về công tác tổ chức và quản lý.

Trong một khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra rằng, có trên 70% số người được hỏi đánh giá các hành vi của người tham gia lễ hội là thiếu văn hóa, thiếu ý thức. 69% ý kiến cho rằng lễ hội hiện nay đang thương mại hóa và kinh doanh trục lợi, 55% nhận định lễ hội có các hành vi mê tín dị đoan. Bởi vậy, không chỉ du khách nước ngoài lưu lại ít ngày hơn, chi tiêu ít hơn mà ngay cả du khách nội địa cũng lựa chọn du lịch ở một số nước trong khu vực vì giá rẻ và dịch vụ tốt hơn thay vì ở trong nước, như du lịch Thái Lan hay Hồng Kông. Năm 2014 số du khách nội địa lựa chọn du lịch nước ngoài tăng từ 10-15%, một phần do đời sống nâng cao, có nhu cầu đi du lịch nước ngoài, nhưng một phần không nhỏ thay đổi sự lựa chọn bởi vì những lý do nêu trên.

Đại biểu Đinh Công Sỹ nhấn mạnh: “Chúng ta tự hào vì đất nước của 54 dân tộc anh em, của gần 9 ngàn lễ hội hàng năm với vô số phong tục tập quán tốt đẹp, nhiều di sản được UNESCO ghi nhận, trao bằng, nhưng dường như chưa đủ mạnh để giữ chân du khách”.

Để "gỡ" khó để phát triển du lịch

Thay mặt đại biểu quốc hội của tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã thảo luận đưa ra các giải pháp để tìm các tháo gỡ cho phát triển du lịch. Mới đây nhất, Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 40, trong đó bao gồm 3 giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian sắp tới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, mở rộng miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định miễn thị thực đơn phương cho một số nước.

Thứ hai, đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá. Trong các năm qua Nhà nước, Chính phủ đã tập trung cho công tác này, nhưng nguồn lực để cho công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đưa ra phiên họp Chính phủ quyết định sẽ thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo Luật Du lịch.

Thứ ba, chặn đứng tình trạng ăn chặn. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Chỉ thị 18 bắt buộc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ niêm yết giá công khai và bán đúng giá. Bên cạnh đó, yêu cầu thành lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh vi phạm xử lý kịp thời, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để có tác dụng răn đe, ngăn chặn và phát động phong trào quần chúng tham gia hoạt động kinh doanh đúng quy định và tố giác vi phạm để xử lý kịp thời. Ví dụ, Lào Cai vừa rồi đã phạt 8 khách sạn theo Nghị định 109 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn khi công bố giá khách sạn 3 sao cao nhất lên tới 46 triệu đồng/đêm. Hay Đà Nẵng đã phạt 6 khách sạn và một tàu du lịch vì nâng giá, găm phòng dịp nghỉ lễ…/.