Thi bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn

Cụ thể, 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường đại học, cao đẳng quy định trong Đề án tuyển sinh của trường;

Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh, học viên không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì không bắt buộc phải thi. Thí sinh được chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, kỳ thi THPT quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.

Những điểm mới

Trong buổi công bố phương án thi chung, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhấn mạnh, “Khác với trước đây, thí sinh đăng ký nguyện vọng trước, ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh dùng kết quả để đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu của các trường. Nghĩa là đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Việc đăng ký tùy thuộc vào nguyện vọng của thí sinh với yêu cầu của cơ sở đào tạo”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm, “hướng thi sẽ phù hợp chương trình của sách giáo khoa mới, nhưng việc ra đề sẽ khó hơn và mở rộng hơn. Việc thi Ngoại ngữ cũng sẽ thay đổi. Như vậy, đường lối chung là không thay đổi, nhưng về chi tiết sẽ thay đổi”.

Liên quan nội dung đề thi năm nay, sẽ kế thừa thành công của năm 2014. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu trong chương trình lớp 12.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục giải thích thêm, do điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng nên thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi quốc gia.

Như vậy, đối với tuyển sinh đại học, cao đẳng đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh được vào trường phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt đại học.

Kỳ thi sẽ vừa được tổ chức tại các địa phương và do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, vừa được tổ chức tại các cụm thi do các trường đại học lớn chủ trì. Theo đó, thí sinh chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ dự thi tại địa phương; thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tuyển đại học phải đến các cụm thi do các trường đại học tổ chức thi. Các cụm thi này được tổ chức giống hình thức tổ chức tại các cụm trong kỳ thi “ba chung”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đổi mới căn bản, quan trọng nhất của công tác tổ chức thi là tổ chức một Kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.

Do vậy, Bộ sẽ sửa lại những điểm chưa ổn trong quy chế để có pháp lý thực hiện việc tổ chức kì thi THPT quốc gia đạt kết quả cao nhất./.