Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tại Hội thảo, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ở Việt Nam, do nguồn lực còn yếu và công nghệ tiên tiến chưa đủ, nên mô hình tăng trưởng xanh của các nước phát triển không thể áp dụng cho Việt Nam.

Chính vì vậy, tăng trưởng xanh ở Việt Nam được hiểu là một quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế, theo hướng sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Đức Chung, chuyên gia tư vấn kỹ thuật phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, khó khăn nhất trong việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh là vấn đề nhận thức. Vì vậy, để phát triển tăng trưởng xanh, các địa phương cần phải hiểu những lợi ích mang lại, cũng như những thách thức khi thực hiện.

Đơn cử như trong vấn đề vốn, đầu tư vào tăng trưởng xanh bao giờ cũng tốn chi phí hơn so với những đầu tư thông thường. Tuy nhiên, những lợi ích về môi trường mà nó mang lại cho cộng đồng lại vô cùng lớn.

Do đó, để có vốn phát triển kế hoạch, các địa phương cần quan tâm đến việc thu hút nguồn vốn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư tư nhân. Bởi theo nghiên cứu về mối tương quan giữa vốn từ ngân sách nhà nước và vốn tư nhân thì cứ một đồng vốn mà Nhà nước bỏ ra sẽ thu hút được 3 đồng vốn đầu tư của tư nhân.

Thêm vào đó, vấn đề về nguồn lực cũng là vấn đề gây nhức nhối. Đơn cử như trong lĩnh vực điện gió. Việt Nam sử dụng nhiều chuyên gia nước ngoài, trong việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đến việc khắc phục sự cố... Vì vậy, việc nhân rộng các nguồn lực trong nước để giảm giá thành cũng là việc làm cần được các ban lãnh đạo quan tâm.

Theo đó, TS. Nguyễn Ngọc Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, việc lồng ghép tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển của địa phương chỉ khả thi trong giai đoạn từ 2016-2020, vì các kế hoạch từ nay đến 2015 của các tỉnh đã được phê duyệt và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Do đó, rất khó để lồng ghép tăng trưởng xanh vào các kế hoạch của tỉnh, cũng như việc xin hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương và các tổ chức nước ngoài.

Cũng tại hội thảo, các đại diện của các UBND tỉnh, sở ban ngành, cơ quan nghiên cứu thuộc các tỉnh khu vực Tây Bắc kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xây dựng một số điển hình, mang tính thu hút và có những chính sách khuyến khích đối với các địa phương. Thể chế và chính sách phải có những hướng dẫn cụ thể, để từ những hoạt động thí điểm nhỏ có thể nhân rộng ra toàn quốc.

Bên cạnh việc trình bày kế hoạch và hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh, các chuyên gia dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn hướng dẫn các đại biểu tham gia hội thảo xây dựng đường cong chi phí biên giảm phát thải (MACC) cho địa phương. Đây được coi là một buổi học tập giúp các đại diện bước đầu tiếp cận với tăng trưởng xanh, để từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về nó./.