Dự báo này được đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ thông tin cập nhật về dân số và phát triển với các nhà hoạch định chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội” do Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 26/9.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ thông tin và nghiên cứu cập nhật liên quan đến dân số và phát triển với các nhà chiến lược, kế hoạch và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội để tham khảo nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, cung cấp các thông tin và nghiên cứu cập nhật liên quan đến dân số và phát triển cho các đối tác phát triển của Việt Nam, giúp họ hiểu rõ hơn về động thái dân số trong hiện tại và tương lai của Việt Nam và tác động của nó tới phát triển và tăng trưởng của Việt Nam.

PGS.TS Bùi Tất Thắng tin tưởng, những thông tin và nghiên cứu này sẽ là những thông tin đầu vào hữu ích để các đối tác phát triển của Việt Nam xây dựng các chương trình quốc gia hỗ trợ Việt Nam trong những năm tới.

Về phía đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Astrid Bant cũng cho rằng, hội thảo là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ vấn đề dân số và tác động của nó đến sự phát triển bền vững. Theo các dữ liệu từ tổng điều tra dân số, Việt Nam đang trải qua quá trình nhân khẩu học rất rõ rệt, chứng kiến thời kỳ dân số vàng và già hóa… Những điều này có tác động rất lớn đến các vấn đề an sinh xã hội, y tế… của Việt Nam.

Cụ thể, đại diện Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Thúy Mai đưa ra dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026 và đến năm 2040, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già. Trong đó, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng, trong khi ở khu vực nông thôn quy mô dân số giảm. Đáng chú ý là, đến năm 2020, dự báo Việt Nam sẽ dư thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Các diễn giả phát biểu tại hội thảo

Đồng thời, dựa trên góc nhìn tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA), nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển đã phát hiện và đưa ra kết luận rằng, có sự chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ, giữa dân cư thành thị và nông thôn; chênh lệch về mức chi tiêu giữa hai khu vực thành thị và nông thôn; chi cho giáo dục đối với trẻ em ở thành thị cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn.

Nguyên nhân cơ bản là do sự khác biệt về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như lao động nông thôn thường có tay nghề, trình độ và kỹ năng thấp hơn.

Với những kết luận báo động như vậy, các diễn giả đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề về dân số già và sự chênh lệch giới tính tại Việt Nam trong thời gian tới:

Thứ nhất, có chính sách quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng hợp lý, phù hợp với mức độ đô thị hóa nhanh.

Thứ hai, có chính sách đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở những khu vực chuyển từ nông thôn thành thành thị.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề bình đẳng giới nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Thứ tư, nghiên cứu các chính sách phù hợp tận dụng lợi thế dân số trong thời kỳ già hóa dân số và dân số già, cụ thể là phát triển an sinh xã hội, thực hiện điều tra quốc gia người cao tuổi và các vấn đề người cao tuổi…

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, cần giảm thiểu chêch lệch, bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục – đào tạo, việc làm, thu nhập, mức sống… giữa hai giới cũng như dân cư hai khu vực thành thị - nông thôn; đẩy mạnh các biện pháp nâng cao năng suất lao động xã hội…/.